ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG CHẤT VẤN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TIN NHẮN RÁC

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp xử lý triệt để tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tình trạng đăng tải video clip, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa.

Tin nhắn, cuộc gọi rác gây nhiều phiền toán cho người sử dụng

Tin nhắn, cuộc gọi rác gây nhiều phiền toán cho người sử dụng

Nỗ lực ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Tính đến hết tháng 6/2020 Việt Nam có gần 127 triệu thuê bao di động, giảm 6,9 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm trước. Đây là số liệu thống kê được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Kết quả cho thấy phần nào tính hiệu quả trong chính sách siết chặt quản lý thuê bao di động trong nước thời gian qua nhằm ngăn chặn tình trạng sim rác tràn lan.

Mặc dù giảm đáng kể lượng sim rác, nhưng vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn tồn tại và tấn công người dùng di động hằng ngày. Các tin nhắn, cuộc gọi chào mời dịch vụ, quảng cáo từ những đầu số không mong muốn liên tục quấy nhiễu người dùng không kể ngày, đêm.

Mặc dù biết là số lạ, tin nhắn lạ nhưng vì sợ đó có thể là số điện thoại của khách hàng, hay của bạn bè nên vẫn buộc phải nghe máy đó là tâm lý chung của đa số khách hàng sử dụng dịch vụ mạng. Thời gian gần đây mặc dù lượng tin nhắn quảng cáo đến với số máy điện thoại của chị Quỳnh Anh đã giảm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, các cuộc gọi quảng cáo thì vẫn liên tục diễn ra. Dù đã cho vào danh sách chặn các cuộc gọi rác, tuy nhiên chặn số này thì lại có số khác gọi đến với nội dung tương tự.

Chị Quỳnh Anh cho biết:“Tôi thực sự thấy mất thời gian, ví dụ trong cuộc họp thì cũng phải bỏ thời gian ra để nghe vài phút, mà tôi cũng không dám từ chối vì tôi đang làm công tác truyền thông, nên tôi không dám bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào. Nhiều lúc thấy rất bất tiện, phiền phức....”

Chị Quỳnh Anh, cư trú tại quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Để giải quyết những bất cập này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai hệ thống chia sẻ mẫu tin nhắn rác (hiện đã xây dựng được hơn 280.000 mẫu tin). Hệ thống chặn lọc tin nhắn rác của các nhà mạng hoạt động khá hiệu quả, có khả năng chặn lọc hàng trăm triệu tin nhắn rác mỗi năm. Cuối tháng 6/2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản gửi nhà mạng về việc ngăn chặn cuộc gọi rác và chỉ trong 3 tháng gần đây, các nhà mạng đã khóa chiều đi với gần 35 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để các cuộc gọi rác thì vẫn còn nhiều khó khăn do liên quan đến yếu tố về mặt kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Minh Phương, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT, từ đầu năm đến giờ thì có khoảng 9,5 triệu tin nhắn rác được chặn hoàn toàn tự động, nhưng cuộc gọi rác nó khó hơn vì phải dựa trên yếu tố về mặt kĩ thuật.

Ông Nguyễn Minh Phương, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT

Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó, từ 01/10/2020, các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi quảng cáo đến thuê bao nằm trong danh sách không quảng cáo.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã hoàn thiện hành lang pháp lý về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Nghị định ra đời giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin &Truyền thông trong lĩnh vực an toàn thông tin nói chung và công tác chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác nói riêng.

Cũng tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP đã làm rõ định nghĩa tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó:

. Tin nhắn/ thư điện tử rác là những tin nhắn/ thư điện tử quảng cáo không được sự đồng ý của người sử dụng hoặc tin nhắn/ thư điện tử bị cấm, vi phạm quy định về gửi tin nhắn, thư điện tử được quy định trong nghị định này.

. Cuộc gọi rác là cuộc gọi quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc cuộc gọi quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo với các nội dung bị cấm theo quy định.

Việc quy định rõ ràng khái niệm này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tin nhắn/ thư điện tử rác, cuộc gọi rác được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Bên đó, Nghị định 91 cũng bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Theo Luật sư Nguyễn Thành Chung – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nhiều quy định trước đây vẫn chưa đủ sức răn đe quyết liệt với các nhà mạng, doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo. Mức phạt lần này tại nghị định 91 cho thấy, sự mạnh tay, quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Từ ngày 01/10/2020, Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực. Với nhiều điểm mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu hiện nay, nhiều ý kiến kỳ vọng khi Nghị định đi vào thực tế sẽ trở thành bước đột phá để xử lý dứt điểm vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác đã tồn tại dai dẳng.

Nghị định 91/NĐ-CP: Kỳ vọng không còn cuộc gọi, tin nhắn rác

Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều động thái tích cực tích cực và nỗ lực trong việc ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Trong đó, phải kể đến quyết tâm của Bộ trong việc xây dựng và trình Chính phủ Nghị định chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP. Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/NĐ-CP sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm đẩy lùi vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Vậy, những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông cần được nhìn nhận như thế nào? Nghị định 91 sẽ có tác động ra sao tới công tác quản lý trong lĩnh vực này? Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề tin nhắn rác, cuộc gọi rác?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Thời gian gần đây, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác lại xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ đối mặt bị kẻ xấu tấn công và không thể dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt, chịu thiệt hại cả vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe dọa, khủng bố. Vì vậy, xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn cũng như kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới xử lý như thế nào đối với vấn nạn này.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có phần trả lời. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Tôi cơ bản đồng tình với phần trả lời của bộ trưởng. Bộ trưởng cũng đã nêu lên thực trạng hiện nay, phân tích nguyên nhân và thông báo một số giải pháp đang triển khai. Bộ trưởng cũng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp một cách đồng bộ. Trong đó, có kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về chống thư rác, Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về chống thư rác để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để.

Phóng viên: Theo quan sát của đại biểu, hiện nay tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã có những chuyển biến như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Tôi thấy rằng thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh và quyết liệt triển khai các giải pháp từ kiểm tra, xử phạt đến ra các văn pháp quy phạm thuộc thẩm quyền để siết chặt quản lý hơn nữa tình trạng này. Đã có một số chuyển biến tích cực hơn trong thực tế tuy chưa thể triệt để nhưng thể hiện nỗ lực của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng trong lĩnh vực Bộ quản lý.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua Chính phủ đã ban ban hành Nghị định số 91/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về việc ban hành Nghị định này?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2020, thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 về chống thư rác, Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP. Nghị định lần này quy định tương đối đầy đủ với nhiều điểm mới tiến bộ cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong ngăn chặn, đẩy lùi tin nhắn rác, cuộc gọi rác,…. Quy định về mức xử phạt cũng được nâng cao rõ dệt, đảm bảo tính răn đe nhằm ngăn chặn hoạt động này. Nghị định ra đời được sự đón nhận và đồng tình của người dân, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng siết chặt quản lý trong lĩnh vực này. Mặc dù mới được ban hành nhưng Nghị định đã bước đầu phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác cũng đã có những bước thuyên giảm.

Phóng viên: Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này. Theo ý kiến của đại biểu cần tiếp tục tập trung vào những giải pháp nào để ngăn chặn triệt để vấn nạn này?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Tôi cho rằng, Nghị định 91 đã hoàn thiện khung pháp lý về xử lý, quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp khác để ngăn chặn vấn nạn này. Khung pháp lý đã có nhưng công tác triển khai trên thực tế cần nghiêm túc, đầy đủ mới phát huy hiệu quả. Các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý cần tiếp tục rà soát, tăng cường các biện pháp về mặt kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện các vi phạm và tiến hành xử lý một cách nghiêm minh;….. có như vậy mới mong ngăn chặn được vấn nạn này….

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Vấn nạn tin nhắn rác không phải chỉ có ở Việt Nam mà hầu như có ở tất cả các mạng điện thoại di động trên thế giới. Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ và Bộ Thông tin & Truyền thông đã vào cuộc một cách quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra các hoạt động này. Một trong những giải pháp được cử tri đánh giá cao và kỳ vọng sẽ ngăn chặn được vấn nạn này là việc ban hành Nghị định số 91 quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Tuy nhiên, để Nghị định phát huy được hiệu quả trên thực tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban ngành liên quan. Bên cạnh đó, các thuê bao khi sử dụng dịch vụ mạng cũng cần trang bị các kiến thức cần thiết để tự phòng tránh./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=49849