ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

Cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đưa ra một số ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu

ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu

Cho ý kiến về vấn đề hộ kinh doanh tại Điều 1, đại biểu Nguyễn Anh Trí chỉ ra rằng, quản lý hộ kinh doanh là đúng, nên và rất cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong các hoạt động kinh doanh trong một quốc gia. Nhưng để tạo điều kiện và hỗ trợ cho hộ kinh doanh, cũng như kinh tế hộ kinh doanh phát triển. Đây thực sự là vấn đề lớn, theo thống kê thì cả nước có khoảng 4.500.000 - 5.000.000 hộ kinh doanh, không thể không quản lý và đặc biệt nữa là không thể không suy nghĩ để tìm cách phát triển kinh tế hộ kinh doanh lên. Tuy nhiên, không nên đưa hộ kinh doanh vào luật này vì hộ kinh doanh khác doanh nghiệp, các quy mô thủ tục, trình độ quản lý, nhân lực nên nếu đưa vào và chịu tác động của Luật Doanh nghiệp thì sẽ quá sức chịu đựng, sẽ làm khó và sẽ hạn chế sự phát triển của loại hình kinh tế phổ biến và khá hiệu quả này. Đại biểu đề nghị trước mắt cần sớm có một nghị định về hộ kinh doanh cho phù hợp để điều chỉnh, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh hoạt động, sau đó một thời gian thì nên có luật riêng cho hộ kinh doanh.

Về tên doanh nghiệp quy định ở Điều 3, đại biểu cơ bản đồng ý với dự thảo và nhấn mạnh thêm rằng trên giấy tờ pháp lý thì phải đầy đủ đúng như quy định của luật. Ví dụ một tên cụ thể là Công ty trách hiệm hữu hạn Hoa Sen Trắng, còn khi làm biển hiệu thì hàng ngày khắc trên con dấu thì cho phép viết gọn, ví dụ viết là Công ty Hoa Sen Trắng là đủ. Tuy nhiên phải đăng ký, không được trùng lắp với các công ty khác và phải đảm bảo không được khác biệt với tên đã đăng ký.

Về vấn đề con dấu quy định tại Điều 44, thực tế trên thế giới thì con dấu ngày càng trở nên không quan trọng như trước nữa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay cũng chưa nên bỏ ngay vì con dấu vẫn còn những giá trị pháp lý cao và có giá trị về hình thức cũng như về văn hóa nữa.

Về nội dung doanh nghiệp nhà nước quy định ở Điều 87a, đề nghị nên soạn lại cho thật dễ hiểu. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì được gọi là doanh nghiệp nhà nước và quản lý mọi mặt theo các quy định của nhà nước. Còn từ dưới 100% vốn nhà nước trở đi được hiểu đó là doanh nghiệp có vốn nhà nước, sẽ được ghi vào giấy tờ, không cần phải gọi tên hằng ngày là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bao nhiêu phần trăm cổ phần thì chi phối doanh nghiệp là một nội dung chung cần được quy định trong Luật Doanh nghiệp và đó là cơ sở để tất cả các nhà đầu tư phải tuân thủ, bao gồm cả nhà nước. Ở đây được coi như một cổ đông, như một nhà đầu tư. Căn cứ vào năng lực tài chính, lợi ích mọi mặt về kinh tế, an sinh, kể cả chính trị mà Nhà nước quyết định, cụ thể là Bộ, ngành sẽ quyết định góp bao nhiêu phần trăm vốn, nhưng quan trọng nhất là phải bảo toàn vốn của Nhà nước và phải có sinh lời. Việc chi phối và cách thức quản lý phải tuân thủ pháp luật, không nên áp đặt một cách tùy tiện, đặc biệt là phải tuân thủ cam kết đã thống nhất và không được trở thành lực cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Về vấn đề hội đồng quản trị, theo đại biểu phải có hội đồng quản trị, nhưng tối đa khoảng 15 người thuộc về nhóm những người có vốn góp nhiều nhất từ trên xuống. Tuy nhiên, không nên thấp quá. Luật quy định làm sao để doanh nghiệp có thể căn cứ vào tổng lượng vốn góp, lịch sử doanh nghiệp và văn hóa của chính công ty đó để thành lập một hội đồng quản trị thật hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề thuế doanh nghiệp, đối với các cơ sở y tế hiện nay đang theo Quyết định 1466/2008 và Quyết định 693/2013 về việc ưu đãi thuế cho các bệnh viện, phòng khám đa khoa, trung tâm y tế dự phòng, nhưng do sự phát triển nhanh của công nghệ y tế nên đã xuất hiện thêm các loại hình khác không dựa vào số giường bệnh, như trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm di truyền, sinh học phân tử, trung tâm xét nghiệm, v.v. mà đầu tư cũng rất tốn kém và không dễ kinh doanh có hiệu quả. Do đó, đề nghị cần xem xét lại để có sự ưu đãi thuế hợp lý cho tất cả các cơ sở y tế các loại, các hạng./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=43984