ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: TP.HCM nên hủy quyết định xây nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng?

Ngay khi HĐND TP. HCM quyết định thông qua kế hoạch xây dựng nhà hát Thành phố hơn 1.500 tỷ đồng, giới chuyên môn, Đại biểu Quốc hội và người dân đã có ý kiến trái chiều xoay quanh chủ đề này.

Như tin Khoe365.net.vn đã đưa, ngày 8/10, HĐND TP HCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) để thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án công nhóm A với công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch.

Những ý kiến đồng tình

Theo Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đề án trong kỳ họp này, đặc biệt là dự án nhà hát, rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu về Nhà hát 1500 tỷ ở TP. HCM

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao.

Phó chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, bởi TP HCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng Nhà hát giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch là công trình mà Đảng bộ và nhân dân TP HCM mong ước, ấp ủ qua nhiều nhiệm kỳ và cũng là sự trông đợi của cử tri TP. Ông cho rằng các nhà hát hiện nay trên dưới 25 năm tuổi, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng tốt được các chương trình nghệ thuật và trấn an các đại biểu "hãy yên tâm, vì công trình có tính chất mở, đáp ứng được tính chất của bộ môn nghệ thuật này".

Nhận định vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP HCM nói rằng rất ủng hộ dự án này triển khai vì vấn đề xây dựng nhà hát đặt ra hàng chục năm rồi. Nguồn tiền đầu tư có thể lấy từ việc bán đấu giá một số khu đất "vàng" trong nội thành để xây dựng.

"TP cả chục triệu dân mà một công trình văn hóa đề ra cả 10 năm mà chưa làm được? Gần 20 năm nay chúng ta đã ưu tiên làm tất cả công trình hạ tầng, nhưng mảng văn hóa chúng ta bỏ hoàn toàn. Chúng ta cứ nhìn mất cân đối như vậy thì làm sao phát triển được? Bây giờ hỏi công trình văn hóa - thể thao thì thành phố có cái gì? Chúng ta đừng để nó quá lệch, bây giờ thành phố cần phải bù lại những phát triển lệch pha đó", ông Lịch lý giải về việc cần thiết xây dựng nhà hát.

Cùng quan điểm với ông Trần Du Lịch, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng thành phố phải có một nhà hát hiện đại và tương xứng với phát triển kinh tế, với vai trò vị trí cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.

"Dự án này đã được đề xuất từ nhiều năm trước, thậm chí từng có những mặt bằng rất đẹp ở trung tâm thành phố dự kiến làm nơi đặt nhà hát nhưng lãnh đạo trước đây đã quyết định dùng cho việc khác. Đến nay thì đã là chậm rồi vì lâu nay thành phố chỉ lo phát triển kinh tế. Người dân thành phố đi quốc gia khác nhìn nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi. Tại sao thành phố đóng góp 1/4 ngân sách, tốc độ phát triển gấp rưỡi cả nước từ mấy chục năm nay cuối cùng lại không có một nhà hát xứng tầm?", ĐB Nghĩa đặt vấn đề.

UBND TPHCM cũng đã kết luận việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.

Những ý kiến phản đối

Tuy nhiên sau khi được thông qua, dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội về tính cần thiết của dự án cũng như số tiền "khủng" đầu tư có thể dành vào xử lý các dự án khác về hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học… đang cấp thiết hơn.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội phát biểu về Nhà hát 1500 tỷ ở TP. HCM

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội đã trao đổi với báo chí rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết giao TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù cũng là mong muốn thành phố phải đi trước cả nước về sự giàu đẹp, văn minh. Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, không phải vì xây dựng thành phố như vậy mà lại dễ dàng đồng ý với công trình "chưa đáng được ưu tiên như Nhà hát ở Thủ Thiêm".

TP.HCM còn nhiều vấn đề khác cần ưu tiên giải quyết như triều cường, ngập úng, mưa rào khiến thành phố khốn khổ, rồi vấn đề môi trường, giao thông còn đang phải xử lý. Đặc biệt là vấn đề chăm sóc đời sống khi thành phố vẫn còn hộ nghèo. Vì vậy, việc xây dựng một nhà hát tốn hàng nghìn tỷ đồng trong khi đời sống bà con còn chưa được mỹ mãn, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là một sự phí phạm.

"TP.HCM nên tỉnh táo và hủy bỏ quyết định này, nếu không thì Chính phủ có thẩm quyền hủy bỏ quyết này bởi vì nó không hợp với ý Đảng, lòng dân”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn là chuyên gia quy hoạch kiến trúc tại Bắc Mỹ và Việt Nam, một người có 30 năm kinh nghiệm làm quy hoạch và kiến trúc ở nhiều nơi trên thế giới, từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội cho rằng: "Đã xây dựng thì phải xứng tầm với TP.HCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó từ từ xây, không nên vội vàng".

Xét bối cảnh TP.HCM, vị KTS cho rằng cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, Metro đang bị ngưng lại, thành phố ngập nước, bãi đậu xe thiếu, bệnh viện trường học thiếu trầm trọng,... thì cần phải xem xét lại việc có nên ưu tiên xây dựng nhà hát trong thời điểm này không?

Chia sẻ với báo chí, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng đã có từ 20 năm trước, trải qua 3 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND thành phố. Tuy nhiên, "Những điều bàn bạc hiện tại mới là khởi động về mặt thủ tục. Nhưng đưa việc xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm ra bàn trong bối cảnh này là nhạy cảm".

"Với những ý kiến trái chiều của cử tri, lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe, cầu thị, suy xét, tính toán sao cho hợp lý. Thành phố tôn trọng ý kiến của các cử tri, thậm chí với những ý kiến nhiều chiều", ông Khuê nhấn mạnh.

Đôi điều ghi nhận

Cần phải thấy một điều rằng các đô thị lớn ở Việt Nam ngày càng khang trang, hiện đại và từng bước rút ngắn khoảng cách văn minh hiện đại tiến tới Đô thị văn minh, xã hội siêu thông minh theo các nước phát triển trên thế giới là cần thiết. Ở đó có những công trình hiện đại mang dấu ấn của đô thị, một cộng đồng và xa hơn là thể hiện khát vọng dân tộc chân chính.

Tuy nhiên, yêu cầu chính đáng đó cần phải đặt trong một bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng địa phương và hài hòa với mặt bằng chung của đất nước. Ngoài ra nó thực sự phải là ý chí nguyện vọng của phần lớn nhân dân. Trong bối cảnh TP. HCM và nhiều địa phương lân cận đang phải đối mặt với quá nhiều việc cấp thiết khác phải làm, phải được ưu tiên trước để thể hiện rõ bản chất của nhà nước ta.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà hát hiện tại ở TP. HCM đang bị "lạm dụng" vào những mục đích khác như nhà hàng, tổ chức tiệc cưới, bãi đỗ xe... Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí thuận lợi tại trung tâm Thành phố tại quận 1. Đây là nhà hát được đánh giá là đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật. Đồng thời nơi đây cũng được sử dụng vào những sự kiện lớn. Tuy nhiên phía sau nhà hát Thành phố còn có một quá cà phê Highlands Coffee chiếm gần hết diện tích mặt sau của nhà hát.

Tương tự Nhà hát Hòa Bình còn dành cho một số cơ sở khai thác dịch vụ âm thanh, ánh sáng và đào tạo âm nhạc. Khu vực sân của Nhà hát được dành một diện tích không hề nhỏ cho một quán cà phê và bãi đỗ xe. Nhà hát Bến Thành tọa lạc tại số 6 Mạc Đĩnh Chi (Quận 1) mặt sân chính dùng làm bãi đỗ xe ô tô, tầng hầm làm chỗ để xe máy. Phía trong nhà hát dùng cả không gian rộng lớn cho dịch vụ tập Gym và một phòng khiêu vũ...

Một dự án nhà hát nghìn tỷ trên giấy được bàn ở Hà Nội nhiều năm

Từ Thủ Thiêm, chúng ta hãy nhìn lại các dự án nhà hát nghìn tỷ 'chết yểu' ở Hà Nội bấy lâu nay. TP Hà Nội từng có kế hoạch xây dựng các nhà hát lớn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các nhà hát này đều chưa được triển khai. Số phận của những công trình "trên giấy" này phần lớn do không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

Ở Hà Nội cũng từng có thời điểm, xây dựng Nhà hát 5 triệu USD bỏ dở. Với tổng vốn đầu tư 117 tỷ, nhà hát ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) được thiết kế cầu kỳ, hiện đại. Tuy nhiên, công trình đã có thời điểm phải ngừng thi công khi đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Một công trình văn hóa được giới thiệu đẹp như mơ trước ngày khởi công, sau 8 năm vẫn chưa hoàn thiện và vắng khách đã khiến nhiều người dân vỡ mộng

Hay Bảo tàng Hà Nội với kiến trúc độc đáo và hiện đại bậc nhất thế giới những rất vắng khách sau 8 năm đưa vào hoạt động. Được đầu tư 1.600 tỷ đồng nhưng đến nay bảo tàng Hà Nội chưa hoàn thành khâu trưng bày, nên chưa thu hút được nhiều khách đến thăm quan. Một số hạng mục bên ngoài bị mối mọt phải dừng hoạt động. Bảo tàng Hà Nội được đầu hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành ngày 10/10/2010 nhân đại lễ 1000 Thăng Long. Giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010, trị giá 1.600 tỷ đồng. Giai đoạn hai tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, gồm nội dung trưng bày hiện vật, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, sau lại được điều chỉnh kéo dài đến 2019?

Thật xót xa khi phải nhìn những công trình nghìn tỷ được xây dựng từ tiền đóng thuế của người nhân mà không phát huy được hiệu quả theo đúng phương châm Bác Hồ đã dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Quyết Tuấn

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dbqh-luu-binh-nhuong-tphcm-nen-huy-quyet-dinh-xay-nha-hat-hon-1500-ty-dong-53075.htm