ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Không thể chấp nhận một luống chè, luống rau bán ra khác với nhà mình dùng'

Từ câu chuyện pate Minh Chay nhiễm độc, trao đổi với TG&VN, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, không thể chấp nhận hành vi một luống chè, một luống rau, hàng hóa bán ra khác với hàng hóa, luống chè, luống rau của gia đình mình sử dụng.

ĐBQH. Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: NVCC)

ĐBQH. Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện về pate Minh Chay thêm một hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cảm thấy hoang mang với thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Là một ĐBQH, ông nghĩ gì về câu chuyện này?

Chúng ta đã nghe câu chuyện về thực phẩm không an toàn từ lâu và nghe nhiều. Trên diễn đàn Quốc hội cũng đề cập vấn đề này. Có thể nói đây là vấn đề rất hệ trọng. Nhiều người đã và đang mua sản phẩm này, cho nên, dân hoang mang cũng là điều dễ hiểu.

Ở đây theo tôi không chỉ liên quan đến vấn đề câu chuyện của Minh Chay mà nó liên quan đến nhiều thực phẩm khác. Đến bây giờ, nhiều người tiêu dùng cũng không biết mình đang dùng loại thực phẩm thực sự có an toàn hay không?

Lâu nay, báo đài đề cập chuyện thực phẩm bẩn bủa vây thị trường và nỗi lo thường trực của người dân là mất tiền mua mà vẫn rước bệnh vào thân. Ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng?

Tôi đã từng nói trên diễn đàn Quốc hội, bất kỳ một người tiêu dùng nào cũng cố gắng là một người tiêu dùng thông thái. Điều này không có nghĩa là người ta phải trở thành một người quá trí tuệ nhưng phải có nhìn nhận, đánh giá, tìm cho mình một địa chỉ tin cậy, một nơi cung cấp thực phẩm uy tín và phải hiểu được nguồn gốc của thực phẩm ấy. Tránh tình trạng mua bán theo trào lưu, mua thực phẩm hoặc nhận thực phẩm mà không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, nên tránh mua thực phẩm bán chui lủi trên thị trường mà mình thực sự không nắm được hiện trạng bên trong như thế nào. Đồng thời, cũng không nên quá lệ thuộc vào những vấn đề về bao bì, thương hiệu, những lời bàn ra tán vào về những loại thực phẩm đó.

Người tiêu dùng phải lựa chọn có tính chủ động, trên cơ sở tham khảo ý kiến của người khác chứ không bị lệ thuộc vào sự lựa chọn của người khác.

Từ câu chuyện về pate Minh Chay, nhìn rộng ra, có một thực tế là thực phẩm bẩn hiện nay đang góp phần đẩy người tiêu dùng hướng đến "hàng ngoại". Làm sao để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt?

Mình phải hiểu, ở nước ngoài thì hàng Việt Nam cũng là hàng ngoại. Người Việt dùng hàng Việt không có nghĩa là hạ thấp tiêu chuẩn của chúng ta. Có những hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam còn có chất lượng cao hơn của thế giới. Chúng ta còn đi xuất khẩu vậy tại sao ta lại không sử dụng nó?

Ông nghĩ sao khi đâu đó câu cửa miệng như “ăn sẽ chết từ từ” và “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế" từ câu chuyện thực phẩm thiếu an toàn trên thị trường hiện nay?

Câu này do đại biểu Trần Ngọc Vinh (ĐBQH của TP. Hải Phòng) phát biểu ấn tượng trước Quốc hội khóa XIII. Có thể nói, dư luận quan tâm câu chuyện này vì người ta sống là phải hít thở khí trời, phải có thức ăn, nước uống - những thứ không thể thiếu được, hay nói cách khác là những thứ thường xuyên cấp thiết đối với con người. Tuy nhiên, không ít kẻ dựa vào đó để lợi dụng, tăng lợi nhuận vì mục tiêu cá nhân, không cần biết người khác như thế nào, hậu quả ra sao.

Tôi từng nói chuyện trước kỳ họp thứ II của Quốc hội rằng, không thể chấp nhận một đất nước mà một luống chè, một luống rau, hàng hóa bán ra khác với hàng hóa, luống chè, luống rau của gia đình mình được. Thế nên, cần có những xử phạt nghiêm minh với những hành động gian dối.

Từ đó, làm sao để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tôn trọng khách hàng, tôn trọng sản phẩm sạch. Đồng thời, sản xuất và sử dụng sản phẩm sạch để nuôi sống con người là một trong những tiêu chí hàng đầu. Tôi cũng đã trao đổi với Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã trao đổi trực tiếp với ngành Nông nghiệp.

Qua câu chuyện này, câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu, theo ông?

Kể cả cá nhân chứ không chỉ doanh nghiệp, khi đã sản xuất, cung ứng các sản phẩm, lương thực - thực phẩm và liên quan đến đời sống hằng ngày, đến miếng ăn nước uống của mọi người thì phải đề cao trách nhiệm. Hay nói cách khác, những người cung ứng thực phẩm, thuốc thang cho người tiêu dùng cần phải luôn đề cao trách nhiệm của chính bản thân mình.

Thứ hai, trách nhiệm của các nhà quản lý. Cần có những hình thức để xác định, xử lý trách nhiệm thật nặng đối với những tội liên quan đến lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược.

Thậm chí, theo tôi, không chỉ coi là tình tiết tăng nặng mà chúng ta còn phải có những hình thức khác như chấm dứt hoạt động, tuyên bố phá sản hoặc tịch thu tất cả các tài sản, tang vật liên quan đến vấn đề vi phạm. Đặc biệt, yêu cầu những người này phải mua bảo hiểm cho người tiêu dùng.

Chúng ta cần nghiên cứu vấn đề đó, bổ sung để nâng cao chất lượng pháp lý có liên quan đến vấn đề sản xuất và cung ứng các sản phẩm, hàng hóa liên quan đến lương thực, thực phẩm.

Vì đâu người dân phải sống chung với thực phẩm bẩn như sống chung với lũ? Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc đòi hỏi quyền lợi của mình, tuyên chiến với thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn ra sao?

Người tiêu dùng không thể ỷ vào việc xiết chặt quản lý đối với thực phẩm của các cơ quan chức năng. Bản thân mỗi người cũng phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Có nghĩa, anh biết mua và biết sử dụng.

Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng như trách nhiệm với xã hội. Cho nên chúng ta phải phân định trách nhiệm trên cơ sở các giám định về mặt khoa học, xác định trách nhiệm. Như vậy, mỗi người khi có lương tâm, có trách nhiệm thì xã hội sẽ là một xã hội an toàn.

Câu chuyện cà phê trộn pin, thuốc trị ung thư làm từ bột than tre từng làm rúng động dư luận cách đây 2 năm. Theo ông, làm thế nào để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng?

Niềm tin này phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể và cả của hệ thống, trong đó có cả người quản lý, sự giám sát của báo chí chứ không phải chỉ của người sản xuất và tiêu dùng. Như vậy, có nghĩa hệ thống của chúng ta phải thực sự vào cuộc.

Bên cạnh những quy định chặt chẽ, thể chế cần phải có những kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý một cách nghiêm minh và rất cần sự vào cuộc của người dân để phát hiện những việc làm sai trái.

Tôi thấy báo chí nêu rất nhiều trường hợp người dân phát hiện việc tuồn thực phẩm bẩn vào nhà hàng, trường học, khu công nghiệp. Tôi cho rằng người dân chúng ta nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình thì mọi việc sẽ được giải quyết hiệu quả.

Ông nghĩ gì về bài học về xây dựng thương hiệu, đạo đức kinh doanh sau câu chuyện pate Minh Chay?

Theo tôi, thương hiệu không chỉ xuất phát từ việc sản phẩm đó bền đẹp, có giá trị mà còn phụ thuộc vào độ an toàn của nó. Thương hiệu sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào uy tín, đạo đức của người sản xuất.

Tại sao sản phẩm của Nhật Bản lại được tôn trọng? Bởi vì người ta đề cao giá trị nhân văn trong sản phẩm, trong đó có độ an toàn đối với người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ĐBQH!

Yến Nguyệt

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-luu-binh-nhuong-khong-the-chap-nhan-mot-luong-che-luong-rau-ban-ra-khac-voi-nha-minh-dung-124307.html