Đbqh Lê Thanh vân-cà mau: nguyên nhân cho sự thiếu nhất quán của ubnd tỉnh Quảng Ninh trong đầu tư tại Khu công nghiệp việt hưng?

Ngày 18/6/2018, Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau về sự thay đổi quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực hiện Quyết định đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các thương phẩm khác tại Khu công nghiệp Việt Hưng.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chất vấn Bộ Công thương

Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:

1. Vì sao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thiếu nhất quán trong các Quyết định đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các thương phẩm khác tại Khu công nghiệp Việt Hưng, trong khi chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý?

2. Việc thay đổi quyết định (thiếu nhất quán) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã dấn đến hậu quả vật chất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm, bởi doanh nghiệp đã đầu tư sau khi đã có chủ trương lần đầu?

Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Ngày 23 tháng 9 năm 2015, trên cơ sở đề nghị Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (Công ty Tân Tiến), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 5624/UBND-CN gửi Bộ Công thương đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án sản xuất xút công suất 20.000 tấn/năm và các thương phẩm khác của Công ty Tân Tiến vào Quy hoạch phát triển ngnahf hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Sau khi lấy ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Tài chính về nội dung Dự án, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 525/BTC-HC ngày 18 tháng 01 năm 2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án vào Quy hoạch tại Văn bản số 227/TTg-KTN ngày 4 tháng 02 năm 2016.

Hiện nay, xút được sử dụng nhiều trong sản xuất giấy, dệt may, sản xuất alumin, xà phòng và chất tẩy rửa, xử lý nước, trong thực phẩm (dầu ăn, sản xuất đường, tinh bột, bột ngọt), thuộc da và sản xuất sillicat với tổng nhu cầu hiện nay khoảng 300.000 tấn/năm. Năng lực sản xuất xúc của các doanh nghiệp trong nước hiện nay đạt khoảng 150.000 tấn/năm. Do vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn xút để đáp ứng nhu cầu trong nước, lệ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là chính sách của Trung Quốc - thị trường cung ứng xút chủ yếu. Vi vậy, việc Dự án được bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành hóa chất là phù hợp và khi được triển khai sẽ góp phần bổ sung một phần nhu cầu xút trong nước đang thiếu, thay thế hàng nhập khẩu.

Công ty đã thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 422/QDD-NMT ngày 20 tháng 3 năm 2017. Trong quá trình triển khai, Công ty đã xin điều chỉnh loại bỏ hai sản phẩm có nguy cơ rủi ro môi trường là clo lỏng và axit HCl và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận tại Văn bản số 6322/BTNMT-TCMT ngày 21 tháng 12 năm 2017. Như vậy, Công ty đã thực hiện đầy đủ các quy định phát luật về lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Do lo ngại về viêc ảnh hưởng đến môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Công ty thu hồi dự án đã cấp và đề nghị cấp dự án mới bỏ mục tiêu sản xuất Clo lỏng và axit HCl. Sau khi Công ty thực hiện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh vẫn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh không thu hút đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long và đề nghị Công ty chuyển Dự án đến Khu Công nghiệp - cảnh biển Hải Hà, huyện Hải Hà.

Tuy nhiên, đề xuất chuyển dự án đến địa điểm mới là Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện dự án của doanh nghiệp ngoài việc tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh còn dẫn đến sự không phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1621/QD-TTg ngày 18 tháng 09 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Dự án sẽ phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khảon 1 Điều 20 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014./.

Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh trao đổi, làm việc cụ thể với chủ đầu tư tìm phương án giảm thiểu thiệt hại nhất cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi địa điểm đầu tư dự án so với ban đầu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, áp dụng các chính sách hỗ trợ Dự án để bù đắp thiệt hại chi phí của Chủ đầu tư khi triển khai Dự án trong thời gian qua./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=36877