Đbqh Lê Công nhường – bình định: cần phân loại nợ đọng thuế, từ đó rút ra những giải pháp phù hợp, tập trung vào nhóm thuế có khả năng thu hồi

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, cần phân loại nợ đọng thuế, từ đó rút ra những giải pháp phù hợp, tập trung vào nhóm thuế có khả năng thu hồi.

Bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm trọng dự thảo Luật.

Phóng viên: Tình trạng nợ đọng thuế đã gia tăng theo từng năm, đại biểu nhận xét như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Từ trước đến nay, Thuế là một công cụ để quản lý của Nhà nước, thứ nhất là để thu ngân sách nhà nước để đảm bảo chi cho Nhà nước, thứ hai là góp phần bình đẳng xã hội thông qua việc thực hiện những chính sách xã hội. Luật Thuế từ năm 2005 đã xuất hiện nhiều khiếm quyết dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế nhiều. Chính vì vậy trong lần sửa đổi này chúng ta cần xây dựng dự án Luật Quản lý thuế một cách cụ thể và chắc chắn hơn. Ví dụ như đối với việc xử lý nợ đọng thuế, cần phân loại đâu là thuế ảo, thuế có khả năng thu hồi và thuế không có khả năng thu hồi, từ đó rút ra những giải pháp từng loại thuế, tập trung vào nhóm thuế có khả năng thu hồi.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật lần này cũng đề ra quy định khoanh nợ, xóa nợ, cần phải hết sức thận trọng, phải làm sao để có thể xóa được những nợ ảo, hoặc những công ty không có khả năng trả nợ thuế, còn đối với những công ty chây ì thì cần phải kiên quyết thu hồi.

Phóng viên: Ngoài tình trạng nợ đọng thuế còn tồn tại những tình trạng trốn thuế, chuyển giá, xảy ra ở các doanh nghiệp FDI, theo đại biểu cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị gia nhập vào Hiệp định CPTPP thì tình trạng các doanh nghiệp liên kết vơi nhau càng nhiều và tình trạng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật lần này, tôi đề nghị cần soạn thảo một chương riêng quy định về các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp liên kết, từ đó có những giải pháp được đưa ra ngay trong Luật Quản lý thuế. Ví dụ như khâu đầu tư, cần kiểm soát công nghệ đưa vào, tánh nâng giá công nghệ, vật tư cần có biện pháp so sánh giá, hạn chế triệt để việc nâng giá nguyên vật liệu… Luật Quản lý thuế cần quy định chặt chẽ, phân tích để các doanh nghiệp không thể dùng kẽ hở pháp luật để trốn thuế.

Phóng viên: Ngoài những giải pháp trên, đại biểu có thể chia sẻ những biện pháp khắc phục tình trạnh thất thu thuế, đảm bảo sự công bằng minh bạch đối với những đối tượng tham gia nộp thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh.

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Luật Quản lý thuế luôn phải đảm bảo sự công bằng; đảm bảo đủ nguồn thu và phải kích thích được các doanh nghiệp phát triển. Luật Quản lý thuế lần này phải nuôi dưỡng nguồn thu mặt khác phải tạo điều kiện công bằng, do đó trong các điều khoản của dự thảo luật cần quy định rõ ràng. Trên cơ sở đó, nên trao quyền khai thuế cho người nộp thuế, họ phải khai đúng, sau đó chúng ta sẽ có quá trình hậu kiểm. Nếu phát hiện hành vi gian lận thuế sẽ có những chế tài phạt nặng áp dụng cho những hành vi này.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đại biểu!

Mai Trang

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=38422