ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Sáng 4/4, , Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án Luật: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Đầu tư công sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Chủ trì Hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ. Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu, kết quả hoạt động thực tế thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; thông qua đó tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội.

Sau khi xem xét, nghiên cứu kết quả tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và ý kiến góp ý của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc và lựa chọn 3 dự án Luật gồm Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi) để thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là ba dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và đại biểu Quốc hội với nhiều quy định mới, khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân của pháp nhân thương mại; đến hiệu quả quản lý, sử dụng đầu tư công và có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ ở nước ta. Do đó rất cần sự đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Riêng đối với dự thảo Luật GD (sửa đổi) có ảnh hưởng và tác động rộng lớn trong xã hội đã được thảo luận tại hai kỳ họp Quốc hội và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước, nhiều nội dung cơ bản đã được thống nhất.

Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác nhau về một số vấn đề như chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở liên thông, chế độ chính sách và nhiệm vụ của nhà giáo và người học, đầu tư tài chính cho giáo dục, vấn đề tự chủ cho các trường.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và thảo luận về dự án luật này, trong đó tập trung vào một số nội dung như:

Triết lý GD; hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở GD; về Chương trình, sách giáo khoa và thi tốt nghiệp THPT; các quy định liên quan đến nhà giáo; các quy định liên quan đến người học; đầu tư, tài chính trong GD; quản trị cơ sở GD và quản lý Nhà nước về GD cùng một số nội dung khác về kỹ thuật luật pháp.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dbqh-hoat-dong-chuyen-trach-thao-luan-du-an-luat-giao-duc-sua-doi-3992886-v.html