ĐBQH Hoàng Văn Cường: Chống tham nhũng không có lĩnh vực nào được coi là 'vùng loại trừ'!

Năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa bao giờ trong một thời gian ngắn lại có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự như thời gian vừa qua. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (ĐBQH đoàn Hà Nội) để ghi nhận ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Hoạt động phòng, chống tham nhũng trong năm 2019 tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều sâu và bề rộng, thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước là chống tham nhũng “không có vùng cấm”.

Lĩnh vực nào có tiêu cực, có tham nhũng cũng đều bị đưa ra điều tra và xử lý nghiêm minh, xử lý đến cùng. Trước đây, việc chống tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực về kinh tế, nhưng thời gian gần đây, chúng ta đã xử lý ở cả các lĩnh vực được cho là nhậy cảm như công an, quân đội hay là vấn đề về thi cử, giáo dục... đều được truy xét, xử lý đến cùng. Không có lĩnh vực nào được coi là “vùng loại trừ”!

ĐBQH Hoàng Văn Cường

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Không dừng lại ở bất kỳ cấp nào, kể cả lãnh đạo, nguyên lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương. Có những tỉnh xử lý hàng loạt cán bộ lãnh đạo đương chức hoặc đã nghỉ hưu có sai phạm, thay đổi hầu như cán bộ chủ chốt của tỉnh...

Thời gian qua, việc phòng, chống tham nhũng bắt đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tham nhũng vặt. Nhiều cán bộ cấp xã, phường có thái độ cửa quyền, khi bị phát hiện cũng đều bị xử lý nghiêm, kịp thời.

Có được kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thể hiện quyết tâm chính trị của toàn hệ thống và trách nhiệm của người đứng đầu?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Chúng ta đã nhìn thấy sự tham gia rất đồng bộ của các lực lượng trong toàn hệ thống chính trị về quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Trước hết là sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện rõ vai trò tiên phong đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý không ồn ào nhưng rất chắc chắn, quyết liệt, đúng người, đúng tội.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thể hiện rõ vai trò giám sát, có những tiếng nói rất thẳng thắn, trực diện, thúc đẩy việc xử lý đến cùng những biểu hiện tiêu cực. Rồi sự quyết liệt của Chính phủ trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân định trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước để vận hành bộ máy liêm chính.

Tiếng nói của nhân dân cũng đã được lắng nghe, tiếp nhận rất kịp thời, trở thành kênh thông tin, dữ liệu để các cơ quan chức năng, ban ngành tập trung xử lý các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Qua đó, cũng lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Người dân cũng thấy được vai trò của mình đóng góp trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí chính thống cũng đã lựa chọn được những vấn đề, thông tin xác đáng, có trọng tâm, trọng điểm, hướng dư luận vào những vấn đề cần phải đấu tranh. Khắc phục được tình trạng đưa những thông tin vụn vặt, làm mờ đi những vấn đề dư luận đang quan tâm...

Vừa qua, tại hội nghị của bộ Tư pháp về triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2020, theo báo cáo của tổng cục Thi hành án Dân sự, năm 2019 đã tổ chức thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với số tiền trên 16.500 tỷ đồng. Ông nhìn nhận ra sao về con số này?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Nhìn vào kết quả xử lý tham nhũng trong thời gian vừa qua, có thể thấy đã đạt được khá toàn diện, không chỉ ở số vụ và số đối tượng mà kể cả vấn đề thu hồi tài sản cũng đạt được cao hơn. Trước đây, nhiều vụ án kinh tế chủ yếu xử lý được người vi phạm nhưng vấn đề thu hồi tài sản thất thoát rất khó. Nhưng năm 2019, số tài sản thu hồi đã tăng lên rất nhiều so với năm 2018 và các năm trước đó. Trong đó, ví dụ như vụ AVG đã thu hồi triệt để. Đó cũng là thành công lớn trong công tác thu hồi tài sản ở các vụ án kinh tế. Điều đó thể hiện chúng ta đã cương quyết, làm chặt chẽ, không để cho các đối tượng có cơ hội tẩu tán tài sản. Trong bối cảnh chúng ta đang chống tham nhũng rất quyết liệt, sâu rộng như thế đã tạo niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, của xã hội đối với Đảng, Nhà nước. Điều đó cũng góp phần tạo nên thành công về kinh tế, xã hội trong năm 2019. Các chỉ tiêu về kinh tế đều đạt và vượt, đời sống nhân dân được cải thiện, ổn định. Có thể thấy, chúng ta đấu tranh chống tiêu cực chính là tạo tiền đề cho nền kinh tế, xã hội phát triển.

Vậy theo ông, trong năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục tập trung vào vấn đề gì?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Sang năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh và sâu rộng hơn nữa. Năm 2020 là năm bước ngoặt chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới và chiến lược phát triển 10 năm nên cần phải đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt hơn để thay đổi căn bản, sâu sắc trong bộ máy, trong cơ chế quản lý, trong những người đang giữ vị trí trọng trách đưa ra các hoạch định chiến lược phát triển thời gian tới. Về việc chống “tham nhũng vặt”, năm 2019 chúng ta đã làm quyết liệt nhưng chưa thực sự đạt được những điều như mong muốn. Nó vẫn diễn ra ở nhiều cấp cơ sở, sự nhiêu khê, nhũng nhiễu của các cán bộ cấp cơ sở nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân, tâm lý doanh nghiệp. Tôi cho rằng, năm 2020, chúng ta cần quyết liệt, đẩy mạnh hơn nữa, để làm trong sạch các hoạt động phục vụ trực tiếp cho người dân ở cơ sở...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hường

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 15+16+17+số 4(Tháng)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/dbqh-hoang-van-cuong-chong-tham-nhung-khong-co-linh-vuc-nao-duoc-coi-la-vung-loai-tru-a308175.html