Đbqh Giàng A Chu - yên bái: biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại miền núi?

Ngày 22/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Giàng A Chu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái về biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở miền núi trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Giàng A Chu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường thuộc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại biểu Giàng A Chu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chất vấn Bộ trưởng về chiến lược của Chính phủ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở miền núi trong thời gian tới?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nội dung trả lời chất vấn như sau:

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Thực trạng công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống

Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu ngày càng có biểu hiện cực đoan. Đối với các tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, ngoài các hiện tượng rét đậm, rét hại, băng tuyết xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường, biến đổi khí hậu còn biểu hiện qua việc gia tăng thiên tai như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa, khô hạn và thiếu nước trong mùa khô.

Để hỗ trợ các địa phương miền núi trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã triển khai các giải pháp:

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó đưa ra các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược nhằm: tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm (không khí lạnh, lũ trên các hệ thống sông lớn), tăng cường bảo đảm an ninh tài nguyên nước lưu vực các sông lớn (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng, Mã - Cả), phát triển rừng đầu nguồn nhằm phòng chống, giảm nhiệt hại của lũ, đồng thời hấp thụ khí nhà kính, tiến tới tạo tín chỉ các con để mua bán, trao đổi trên thị trường các - bon…
Hướng dẫn và phân bổ kinh phí để các địa phương xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu.
Công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cơ sở để các địa phương biết được xu hướng thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa do tác động của biến đổi khí hậu.
Ban hành Khung hướng dẫn lựa chọn ưu tiên thích ứng biến đổi khí hậu trong lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội…
Truyền thông nâng cao kiến thức, nhận thức về biến đổi khí hậu.
Đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu như trồng rừng, xây dựng đê kè, hồ chứa nước, chống sạt lở bờ sông, bờ suối…

Tuy nhiên, công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại các khu vực miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống còn một số hạn chế như sau:

Còn thiếu các công trình đồng bộ, tổng thể, có phạm vi liên tỉnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cho cả vùng.
Còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương huy động nguồn lực từ xã hội đầu tư cho các công trình biến đổi khí hậu.

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian tới

Căn cứ vào đặc điểm khí hậu, mức độ tác động của biến đổi khí hậu và đặc điểm phát triển kinh tế- xã hội, dân cư của khu vực miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, thời gian tới Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp sau:

Tổ chức đánh giá khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu khu vực miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhằm xác định được các thách thức và cơ hội biến đổi khí hậu tạo ra để vừa phfong chống có hiệu quả, đồng thời tận dụng thời cơ phát triển như: phát triển rừng bền vững gắn với du lịch nghỉ dưỡng; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi ôn đới phù hợp.
Ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng nhà ở vùng cao thích ứng biến đổi khí hậu, công nghệ giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với khí hậu, công nghệ tưới tiêu, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả…
Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng ứng phó, phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm rét hại, băng tuyết… cho đồng bào các dân tộc sinh sống trong khu vực.
Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa cho ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh việc tạo cơ chế trao đổi tín chỉ các bon từ phát triển và bảo vệ rừng để tạo nguồn tài chính bền vững cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xây dựng một số công trình có tính tổng thể, có phạm vi tác động đến nhiều địa phương như trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp xây dựng hạ tầng điều tiết lũ trong mùa mưa và cung cấp nước trong mùa khô gắn với tổ chức di dời, sắp xếp lại dân cư…/.

Nguyễn Ngân

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=37211