ĐBQH Dương Trung Quốc: Ghi tên các thành viên gia đình trên 'sổ đỏ' - trong nhiều trường hợp, đó là sự cần thiết

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TN&MT bên hành lang Quốc hội sáng 24/11, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng: Ghi tên các thành viên gia đình trên 'sổ đỏ' - trong nhiều trường hợp, đây là sự cần thiết.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Việt Hùng

PV: Thưa ông mấy ngày nay dư luận báo chí đang rất quan tâm đến việc quy định ghi tên các thành viên gia đình trên "sổ đỏ". Xin ông cho biết sự quan tâm của mình đối với quy định này?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi rất quan tâm đến câu chuyện này. Khi nghe thấy thông tin đó, ngay lúc đầu bản thân tôi cũng có phản ứng tiêu cực.

Tuy nhiên, sau khi nghe một số ý kiến giải trình, giải thích đầu tiên của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tôi cảm thấy đây là điều hợp lý.

Tôi cho rằng, trước khi đưa chủ trương gì ra áp dụng, chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông. Chứ tôi xin nhắc lại, ngay bản thân tôi ban đầu khi nghe đến quy định ghi tên các thành viên gia đình trên "sổ đỏ", tôi cũng nghĩ đây là quy định gây sự phiền toái nhưng khi thấy sự hợp lý thì tôi thấy quy định này là cần thiết. Vì sao vậy, vì qua thực tế của cuộc sống, nếu không có quy định này thì sẽ xảy ra những sự việc, vụ việc phức tạp.

ĐBQH Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường bên hành lang Quốc hội sáng 24/11

PV: Dưới góc độ một nhà sử học, từ trước đến nay chắc chắn sẽ có những trường hợp tranh chấp liên quan đến câu chuyện này thưa ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Ở đây là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu. Vì ở nước ta, đất đai là của Nhà nước và người dân chỉ có quyền sử dụng. Vì vậy đã và sẽ còn có những phức tạp trong vấn đề ứng xử đối với quyền này giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Vì trên danh nghĩa, Nhà nước cấp đất cho anh nên có thể có nhiều thành phần trong một gia đình, đối tượng được cấp đất, họ cũng có quyền đòi hỏi, đây được coi là quyền lợi chính đáng.

Thế nhưng trong khi đó, chúng ta lại cần phải tôn trọng quyền của chủ thể, ví dụ như quyền định đoạt đối với tài sản của họ, ví dụ như trong di chúc họ cho ai chẳng hạn…

Và khi mà trong xã hội hiện nay, khi mà vấn đề nảy sinh trong quá trình sử dụng đất diễn ra khá phức tạp. Và nếu như chúng ta không nhìn thấy trước thì sẽ là đầu mối cho sự phức tạp. Vì vậy, tôi nhắc lại, trong nhiều trường hợp, việc ghi tên các thành viên gia đình trên "sổ đỏ" là cần thiết.

PV: Như vậy rõ ràng câu chuyện ghi tên nhiều anh chị em trong “sổ đỏ” là nên thưa ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Đối với những đối tượng Nhà nước cấp đất cho một hộ gia đình, thì tất cả các thành viên đó đều có quyền sở hữu như nhau.

Còn đối với những mảnh đất mà quyền sở hữu của cá nhân thì rõ ràng cá nhân có quyền định đoạt đối với mảnh đất đó. Cho nên phải phân biệt có những mảnh đất là của “hộ gia đình” và cũng có những mảnh đất thuộc quyền sở hữu của cá nhân.

Ngoài ra, để tránh những thông tin dễ gây hiểu nhầm như câu chuyện ghi tên các thành viên gia đình trên "sổ đỏ" như vừa rồi, tôi nghĩ trên cơ sở đã nghiên cứu để ra một chính sách đúng, chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông trước khi ban hành. Làm được như vậy, tôi nghĩ người dân sẽ hiểu chính sách mà chúng ta đưa ra.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Việt Hùng (thực hiện)

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/201711/dbqh-duong-trung-quoc-ghi-ten-cac-thanh-vien-gia-dinh-tren-so-do-trong-nhieu-truong-hop-do-la-su-can-thiet-2865409/