ĐBQH Dương Trung Quốc: '40 nhân tài xin thôi việc ở Đà Nẵng là một thông tin gây sốc'

'Hình như lâu nay chúng ta có hệ thống giá trị sai về nhân tài. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố như bằng cấp chẳng hạn', ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) nêu quan điểm bên hành lang QH sáng nay (23/5) khi được hỏi về thông tin 40 nhân tài tại Đà Nẵng xin thôi việc.

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Ông Quốc nhận định vụ 40 nhân tài xin thôi việc ở Đà Nẵng là một thông tin gây sốc.

“Bản thân tôi là người gắn bó với Đà Nẵng, chứng kiến nhiều những thay đổi tích cực của thành phố này. Đã có một thời kỳ Đà Nẵng có thương hiệu là thành phố đáng sống. Rõ ràng, muốn có một thành phố như vậy thì phải có một bộ máy điều hành tốt, có những cán bộ tốt”, ông Quốc cho biết.

Theo vị đại biểu này, việc thu hút nhân tài ở đâu cũng cần thiết. Do đó, trường hợp của Đà Nẵng là trường hợp đáng quan tâm và cần phải đi sâu, phân tích kỹ chứ không phải chỉ nhìn hiện tượng và vội vã kết luận.

Dụng nhân phải như dụng mộc

Ai cũng biết ở Đà Nẵng đang ở trong thời kỳ khủng hoảng, lạc quan nhất cũng gọi là cơn sốt vỡ ra, sau một thời gian phát triển đang nảy sinh những vấn đề cần giải quyết, cần đi sâu vào những vấn đề hết sức cụ thể mà ở đây chắc chắn có vấn đề cán bộ, vấn đề chính sách”, ông Quốc nhận định.

Vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng dường như lâu nay chúng ta có hệ thống giá trị sai về nhân tài. “Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố như bằng cấp. Bằng cấp rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta đang tuyển dụng nhân tài hoàn toàn theo bằng cấp và những yếu tố khác mà tôi cho rằng có thể lệch chuẩn, hệ thống giá trị không đúng”, ĐB nói.

Theo ông, yếu tố quan trọng nhất để thu hút nhân tài là dùng đúng người đúng việc và có chế độ đãi ngộ tương xứng.

“Các cụ nói “dụng nhân như dụng mộc”, tức dùng người nào đúng việc đó và họ được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của họ. Đấy mới là sử dụng nhân tài chứ không phải chỉ thu hút một lượng lớn các tiến sỹ, những nhà khoa học nhưng lại cho họ làm công tác quản lý chứ không được làm khoa học”, ông Quốc nói.

Đồng tình với ý kiến cho rằng ở một số cơ quan nhà nước vừa qua có hiện tượng bổ nhiệm không theo đúng quy định hay nâng đỡ, ưu ái một số trường hợp khiến các nhân tài mất niềm tin và bỏ đi, ông Quốc cho rằng đó chỉ là một phần nguyên nhân, còn phần nữa thể hiện ở thực tế là hiện có nhiều nhân tài bỏ ra ngoài làm. “Môi trường hiện nay đòi hỏi nhà nước phải thay đổi nếu muốn có đội ngũ cán bộ tốt. Nếu không tạo ra sự cạnh tranh tích cực thì các cơ quan nhà nước mất nhân lực là đương nhiên”, ông nhận định.

Có thể do bị ảnh hưởng từ "cơn lốc" nhân sự Đà Nẵng

Còn theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), về cảm quan, trong vấn để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của Đà Nẵng hoặc công tác xử lý về mặt chính quyền có thể liên quan đến những người đã xin nghỉ việc nên họ tìm cách xin thôi việc. Vấn đề thứ 2 là công tác cán bộ ở đây vẫn có những điểm chưa động viên, khuyến khích được các nhân tài nên họ có những tư tưởng có thể là không thích làm cán bộ.

Để khắc phục tình trạng trên, ĐB Phương cho rằng, trước tiên Đà Nẵng cần tìm ra nguyên nhân để từ đó tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, theo ĐB Phương, trong công tác cán bộ, từ Bộ Chính trị cho đến chính quyền địa phương cần phải thiết lập quy chế để tạo niềm tin cho cán bộ và có định hướng để họ yên tâm thực hiện công việc của mình.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/dbqh-duong-trung-quoc-40-nhan-tai-xin-thoi-viec-o-da-nang-la-mot-thong-tin-gay-soc-394364.html