ĐBQH đồng tình phê chuẩn nhưng còn nhiều băn khoăn với CPTPP

Tại phiên họp tổ sáng 2/11 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQG) đều đồng tình với việc phê duyệt Hiệp định, song vẫn bày tỏ không ít lo lắng, băn khoăn về các vấn đề liên quan.

Hiện nay đã có 6 nước phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Nguồn: Internet

Đánh giá cao lợi ích

Theo đại biểu Lê Quân (Hà Nội): So với Hiệp định TPP, Hiệp định CPTPP có nhiều điều khoản thương mại phù hợp với Việt Nam hơn. Trong 10 nước tham gia Hiệp định, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 7 quốc gia. Việc ký CPTPP sẽ giúp Việt Nam có thêm quan hệ với 3 quốc gia khác.

Về góc độ kinh tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được nhận định cao hơn tốc độ nhập khẩu, khá tích cực. Về lao động, Hiệp định cũng giúp nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động đi theo lĩnh vực đòi hỏi trình độ chất xám cao hơn…

“Hiệp định CPTPP rất linh hoạt. Khi có vấn đề vi phạm, phải chứng minh được vi phạm đó ảnh hưởng đến thương mại và lợi ích các bên thì Việt Nam mới chịu tác động, chế tài. Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã cơ bản đảm bảo để gia nhập CPTPP. Tôi hoàn toàn ủng hộ Hiệp định này được phê chuẩn”, đại biểu Lê Quân nói.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): CPTPP điều chỉnh 2 điểm so với TPP. Một là hoãn 20 nhóm nghĩa vụ thi hành chậm hơn. Thứ hai là các nước thành viên có thể có những thỏa thuận riêng để trì hoãn thời gian thực hiện cam kết và tạo ra ràng buộc linh hoạt hơn. Với 2 điểm này, so với TPP, CPTPP có lợi thế là đỡ sức ép hơn cho Việt Nam khi thực hiện thỏa thuận.

“Đáng chú ý, kết quả đàm phán Việt Nam lại nhận được ưu đãi nhiều hơn so với các nước khác. Thỏa thuận của CPTPP là phải xóa bỏ hàng rào thuế quan 100%. Khi thực hiện thỏa thuận, Việt Nam có lợi thế hơn ở chỗ: Sau khi Hiệp định có hiệu lực, phần lớn các nước sẽ xóa bỏ thuế quan với hàng Việt Nam, điển hình như Canada xóa bỏ tới 90%. Tuy nhiên, Việt Nam lại chỉ phải chịu mức cam kết xóa bỏ bình quân 66% tổng thuế quan. Đây là yếu tố để Việt Nam có thể cạnh tranh được”, đại biểu Cường phân tích.

Cũng theo đại biểu Cường: Hiện nay, CPTPP đã có 6 nước thông qua. Đến ngày 30/12, Hiệp định này chính thức có hiệu lực. Nếu Việt Nam thông qua, sau 60 ngày, Hiệp định này sẽ có hiệu lực với Việt Nam. Đây là thời điểm rất phù hợp để phê chuẩn Hiệp định.

Xung quanh vấn đề phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP. HCM) cho rằng: Tham gia Hiệp định sẽ tạo sân chơi mới cho các DN. Đây cũng là động lực để các DN phát triển. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp vì đây là những ngành hàng lợi thế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định.

Cần làm rõ nhiều nội dung

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Chính phủ đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ về hồ sơ, tài liệu liên quan tới Hiệp định CPTPP. Với tất cả những ưu điểm, lợi thế, việc phê chuẩn Hiệp định là cần thiết. Tuy nhiên, bà Khánh cho hay vẫn còn một số băn khoăn liên quan tới tính phù hợp của Hiệp định với pháp luật Việt Nam.

“Suốt quá trình chuẩn bị, Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật, có hướng điều chỉnh bổ sung 8 luật, các nghị định. Chính phủ cũng đã nêu ra những điểm chưa phù hợp của Hiệp định và có hướng sửa đổi. Tuy nhiên, đại biểu muốn Chính phủ làm rõ hơn. Ví dụ, với Bộ luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng Hình sự, thời gian cần để sửa đổi, bổ sung là 3-7 năm. Chắc chắn quá trình rà soát, Chính phủ đã thấy rõ nội dung nào chưa phù hợp, khi sửa đổi có phù hợp với pháp luật Việt Nam và có trái với Hiến pháp hay không. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa thấy nêu rõ ràng. Về lộ trình sửa, cũng chưa thấy Chính phủ xây dựng lộ trình đến khi nào, năm nào thì sửa đổi xong”.

Cũng theo bà Khánh, trong các tài liệu báo cáo, thuyết trình về Hiệp định CPTPP có nói tới rủi ro, thách thức trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách, nông nghiệp…, song đánh giá còn chung chung.

“Đề nghị Chính phủ giải trình rõ mức độ tiêu cực cụ thể thế nào, từ đó có phương án gì để hạn chế rủi ro. Làm rõ những vấn đề này, đại biểu mới có thể yên tâm bấm nút thể hiện quan điểm của mình”, bà Khánh nhấn mạnh.

Liên quan tới Hiệp định CPTPP, đại biểu Vũ Hồng Thanh (Thái Bình) lại nêu quan điểm nhìn ở góc độ bảo vệ thị trường nội địa: “Hiệp định CPTPP có hiệu lực, hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam không còn rào cản. Đất nước nào cũng có buôn lậu, không thể nào cấm, kiểm soát được hết. Trong bối cảnh đó, cán bộ Hải quan cần phải chuyên sâu về đạo đức, nghề nghiệp hơn nữa để hạn chế hàng hóa các nước khác vào Việt Nam”.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất: Sau khi Hiệp định được phê chuẩn, cần thông tin rộng rãi về nội dung cụ thể của Hiệp định tới người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, khắp nơi đều nói về CPTPP nhưng doanh nghiệp chưa nắm rõ được tác động cụ thể tới ngành hàng, lĩnh vực ra sao.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có những kịch bản ứng phó cụ thể với CPTPP. Thứ nhất là kịch bản để tận dụng tốt những cơ hội; và thứ hai là kịch bản để ứng phó với những bất lợi, thách thức đặt ra.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dbqh-dong-tinh-phe-chuan-nhung-con-nhieu-ban-khoan-voi-cptpp.aspx