ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: LÀM RÕ CƠ SỞ VÀ GIẢI PHÁP CỦA VIỆC GIẢM ĐÁNG KỂ THỜI GIAN THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tiếp tục được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị cần làm rõ thêm cơ sở và giải pháp của việc giảm đáng kể thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Khoản 15 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 59 Luật Xây dựng hiện hành theo hướng giảm đáng kể thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng, cụ thể: Đối với dự án nhóm A, thời gian thẩm định dự án không quá 30 ngày làm việc (giảm 10 ngày so với Luật Xây dựng hiện hành); Đối với dự án nhóm B, thời gian thẩm định dự án không quá 20 ngày làm việc (giảm 10 ngày so với Luật Xây dựng hiện hành); Đối với dự án nhóm C thời gian thẩm định dự án không quá 15 ngày làm việc (giảm 05 ngày so với Luật Xây dựng hiện hành).

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc giảm đáng kể thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng là tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, góp phần khắc phục tình trạng giải ngân chậm như đã xảy ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án đầu tư xây dựng (gồm cả trình tự lập đồ án quy hoạch xây dựng) cho thấy, việc tổ chức lấy ý kiến các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư thường kéo dài hơn so với thời gian quy định do các nguyên nhân như: đồ án nằm trên nhiều quận, huyện, phường, xã; sự phối hợp chưa tốt của chính quyền một số địa phương trong công tác tổ chức lấy ý kiến; thời gian tổng hợp, báo cáo tiếp thu giải trình sau khi lấy ý kiến... Cộng thêm rất nhiều các công việc cần phải thực hiện trong quá trình thu thập tài liệu, nghiên cứu, lập phương án, báo cáo thông qua các cấp, hoàn chỉnh qua từng bước. Do đó, phần lớn các dự án đầu tư xây dựng không đảm bảo thời gian quy định của Luật nêu trên.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm đáng kể thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng như trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm cơ sở và giải pháp của việc giảm đáng kể thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng và đánh giá thêm tác động của sửa đổi này để bảo đảm tính khả thi của Luật. Đồng thời, cân nhắc điều chỉnh thời gian lập đồ án quy hoạch xây dựng để bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của các quy định này.

Ngoài ra, góp ý vào một số nội dung khác của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần được mở rộng phạm vi sửa đổi. Hiện nay, các văn bản pháp luật về xây dựng tuy đã quy định khá đầy đủ về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, nhưng tình hình xây dựng không phép, xây dựng sai phép, trái phép vẫn diễn ra tương đối phổ biến; ở các thành phố lớn, dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành; công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm, tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng. Vì vậy, để bảo đảm trật tự, kỷ cương trong xây dựng, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể trong việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=45760