ĐBQH Đinh Duy Vượt: 'Riêng tài sản tặng cho chân dài thì chưa bị lộ'

'Qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản do tham nhũng mà có được tẩu tán cho bố mẹ, người thân đứng tên, như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… và nhiều vụ án khác vì tư tưởng 'hi sinh đời bố củng cố đời con', riêng tài sản tặng cho chân dài thì chưa bị lộ', đại biểu nêu nguyên nhân.

Mở rộng thêm đối tượng để xoáy vào “tảng băng chìm”

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay, 6-9, ĐBQH Đinh Duy Vượt, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai cho rằng, đối tượng kê khai tài sản thu nhập (Điều 35) là mấu chốt về kiểm soát tài sản, vì trước đây năm nào chúng ta cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

ĐBQH Đinh Duy Vượt phát biểu tại hội nghị

Bày tỏ đồng tình với các nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và Điều 34 quy định nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ, chồng, con cái vị thành niên… tuy nhiên ĐBQH Đinh Duy Vượt cho rằng, việc quá thu hẹp như vậy là chưa thực sự xoáy vào “tảng băng chìm”, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng và nhân dân sẽ vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình, phong trào diệt “giặc nội xâm” này.

Ông cho rằng, theo ý kiến cử tri, phải mở rộng diện kê khai là cha mẹ, con ruột, ông bà nội với các minh chứng thực tiễn dư luận “dậy sóng” không thể bỏ qua.

“Thực tiễn hiện nay tại nhiều tỉnh thành, nhân dân, cán bộ đều biết, bố mẹ, ông bà bỗng nhiên hoặc sau một thời gian sở hữu nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp, nhiều tài sản chục tỷ, biệt phủ, xe sang. Thậm chí những dự án kim cương, vàng, biệt phủ, xe sang được cho rằng của các thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu dù trẻ, còn rất trẻ nhưng vẫn tài sản “khủng” bất chấp dư luận, trơ trơ thách thức dư luận” – ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản do tham nhũng mà có được tẩu tán cho bố mẹ, người thân đứng tên, như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… và nhiều vụ án khác vì tư tưởng “hi sinh đời bố củng cố đời con”, riêng tài sản tặng cho chân dài thì chưa bị lộ”, đại biểu nêu nguyên nhân.

Theo ông, đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân khiến mặc dù các ngành tư pháp đã rất quyết liệt nhưng tỷ lệ tiền thu hồi tiền tham nhũng, thất thoát còn thấp. Tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, từ dạng này qua dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận, sân trước sân sau, doanh nghiệp này doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hóa, rửa tiền, lòng vòng…

ĐBQH Đinh Duy Vượt cho rằng, cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái ruột thịt đều phải kê khai, nếu không sẽ không đánh vào gốc rễ của tham nhũng được. Mặt khác, anh là cán bộ công chức thì phải kê khai cũng là điều kiện để bổ nhiệm các vị trí, chức danh.

ĐBQH Phạm Văn Hòa

Theo ông, sẽ dễ dàng chỉ ra những vị trí, chức danh nào có nguy cơ tham nhũng và chúng ta có thể tập trung kiểm soát. “Vì chỉ cán bộ có thực quyền thì mới tham nhũng được, mới có sân sau, “nuôi gà đẻ trứng vàng”. Chứ nếu chúng ta dàn trải thì không thể đủ lực lượng và cũng thể đào tận gốc của tệ tham nhũng được”, đại biểu Vượt nêu quan điểm.

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Vượt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nêu thực tế thời gian qua chúng ta thu hồi tài sản tham nhũng chỉ mười mấy đến 20%. “Sau khi anh A, anh B bị tù tội thì tài sản không thu hồi được gì hoặc chỉ có chút đỉnh. Trong khi thân nhân những người này tài sản kếch xù” – ông nói.

Vẫn băn khoăn phương án thu thuế hay tòa án

Về Điều 57 - Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, ĐBQH Đinh Duy Vượt đồng tình với phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

“Theo trình tự mà UBTVQH quy định thì phù hợp với nhiều nước. Còn phương án thu thuế không khả thi, không phù hợp với thực tiễn và dễ bị lạm dụng” – đại biểu cho rằng, chỉ có tòa án mới kết luận tài sản đó là vi phạm pháp luật. Thu thuế thì vô hình chung nhà nước hợp lý hóa, công nhận tài sản bất minh, tạo kẽ hở cho rửa tiền, dung túng cho tham nhũng còn đất sống…

Trong khi đó ĐBQH Phạm Văn Hòa chọn phương án thuế thu nhập cá nhân. Vì đã ra tòa một là trả lại cho khổ chủ 100%, hai là thu hồi vì không xác minh được.

Ông lý giải, nếu trả lại thì là rõ nguồn gốc, khi rõ nguồn gốc mà không thu thuế thì nhà nước sẽ thất thu thuế. Hiện có những nguồn thu hợp pháp nhưng ngại không muốn kê khai, như quà biếu qua ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác càng nhiều thêm…

“Còn nếu tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc thì phải tịch thu rồi. Chúng ta có cơ quan kiểm soát tài sản và cơ quan này đủ thẩm quyền để xử lý điều đó” – đại biểu nói.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dbqh-dinh-duy-vuot-rieng-tai-san-tang-cho-chan-dai-thi-chua-bi-lo-509170/