Đbqh: đề xuất lấy ý kiến đối tượng chịu tác động

Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét lại các quy định vì vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội về những khia cạnh khác nhau xung quanh dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt, Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Thị Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng rượu bia cao trên thế giới, bình quân một người trên 15 tuổi ở nước ta sử dụng 8,3 lít/năm vào năm 2016. Rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng tỉ lệ bạo lực gia đình. Thời gian qua việc ngộ độc rượu xảy ra dẫn đến những hậu quả đáng tiếc do uống rượu từ những cơ sở sản xuất không đảm bảo nguồn gốc. Chính vì vậy, trong dự thảo luật cần quy định chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, rượu nhập lậu và việc quảng cáo bia rượu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, cần bổ sung một số nội dung liên quan đến việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Quy định rõ vai trò trách nhiệm của gia đình và cộng đồng của việc giảm thiểu tác hại của rượu bia đối với các đối tượng là trẻ em và phụ nữ có thai. Đồng thời Chính phủ cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp với các luật khác có liên quan và các chủ thể liên quan trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đảm bảo tính thống nhất với các luật hiện hành. Ngoài ra cần xem xét kỹ, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động từ dự thảo luật, xem quan điểm của họ ra sao. Như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn khi triển khai trong thực tiễn

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế: Đây là dự thảo Luật khó thực hiện vì phạm vi điều chỉnh khá rộng. Đặc biệt là những quy định đối với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất rượu có quy mô lớn cho đến mô hình sản xuất thủ công chưa thực sự chặt chẽ thấu đáo. Điều này có thể dẫn đến sự buông lỏng hoặc nể nang của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi đồng tình với sự cần thiết ban hành một dự án Luật liên quan đến rượu, bia mà ban soạn thảo, Bộ Y tế vừa trình và Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu. Tuy nhiên, đến nay dự án Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những phản ứng của các nhà máy sản xuất rượu, bia.

Để phản ánh đúng nội hàm, về tên gọi, tôi cho rằng, nên đổi tên thành “Luật Kiểm soát rượu, bia” sẽ hợp lý hơn. Bởi nếu đã tác hại, ảnh hưởng đến đời sống con người thì phải không cho sản xuất, tiêu thụ, nhưng thực tế tình hình sản xuất rượu, bia ở trong nước vẫn phát triển và có nhưng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Ngoài ra, nhiều quy định trong dự thảo như vấn đề quảng bá, tiếp thị, bán hàng trên internet, hay quy định đối với loại hình sản xuất rượu thủ công…vẫn còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, cụ thể, dễ dẫn đến khó khả thi trong cuộc sống.

Do còn nhiều ý kiến trái chiều như vậy, theo tôi cần lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, xem xét quan điểm của họ ra sao, như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn khi luật được triển khai trong thực tiễn./.

Mai Trang

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=38339