ĐBQH ĐỀ XUẤT ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG VÀ CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương diễn ra sáng ngày 05/11 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 10, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất, cần đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế vùng và chú trọng phát triển nguồn nhân lực.

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 10, ngày 05/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường Diên Hồng.

Trong phiên thảo luận buổi sáng, đa số các đại biểu Quốc hội đồng thuận với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2016-2020 và mục tiêu phát triển trong thời gian tới; đồng thời tập trung cho ý kiến về giải pháp để Việt Nam phục hồi và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cơ cấu lại để phát triển nền kinh tế ở khu vực miền núi, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét lại việc xây dựng các thủy điện nhỏ và vừa...

Việt Nam có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh, trở thành nước công nghiệp hiện đại, nước phát triển

Để có cách đánh giá chính xác, khách quan những kết quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong 5 năm 2016-2020, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng cần chia thành 2 thời điểm. Đó là thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid-19 và đánh giá riêng của năm xảy ra dịch bệnh. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2016-2019 đạt 6,8% (tức là đạt được ở mức cao của mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm), trong khi chỉ số CPI đã giảm từ 18,6% vào đầu năm 2011 xuống còn 4%. Cán cân thương mại trong nhiều năm liên tục là thặng dư dương; bội chi ngân sạch giảm từ 5,4% xuống còn 3,5%; nợ công cũng giảm xuống còn 55% vào năm 2019.

Riêng năm 2020 là năm diễn ra đại dịch Covid-19, với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng, an toàn cho người dân. Kết quả đạt được là chúng ta đã làm cho thế giới phải ngưỡng mộ về thành công trong phòng, chống dịch, đồng thời cũng là nước dẫn đầu trong khu vực về tăng trưởng kinh tế và là một "ngôi sao sáng" của thế giới về mức tăng trưởng kinh tế dương.

Trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn từ nhân tai như thảm họa môi trường Formosa đến thiên tai như hạn hán, sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, bão lụt, lở đất hoành hành ở tỉnh miền Trung đến dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid-19; bối cảnh bất lợi của kinh tế thế giới do chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ thương mại, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu… nhưng Việt Nam vẫn đạt được thành tựu nêu trên. Điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh, trở thành nước công nghiệp hiện đại, nước phát triển...

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nêu quan điểm.

Vấn đề là làm thế nào để khát vọng trên trở thành hiện thực, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm đầu tư phát triển nhưng có hai tiêu chí rất cơ bản. Đó là chỉ số HDI phải đạt 0,8% và mức thu nhập GDP bình quân đầu người phải đạt trên 40.000 USD. HDI là chỉ tiêu tổng hợp của ba chỉ số về giáo dục, tổ chức và thu nhập. Hiện nay, chỉ số HDI của Việt Nam đạt được là 0,693%, được xếp vào nhóm các nước phát triển khá, có nghĩa là chúng ta chỉ thiếu 0,07% thì chúng ta đạt được tiêu chuẩn của nhóm có HDI cao. Qua đây, chúng ta cũng thấy rằng, mặc dù chưa bằng lòng với giáo dục, khi cả hội trường nóng lên về việc một số sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 sai một số ngôn từ, ngữ điệu… nhưng thế giới thì đang xếp giáo dục của chúng ta vào hàng khá cao. Chính vì vậy, chỉ số HDI của Việt Nam được đánh giá cao, trong khi thu nhập quốc dân của chúng ta vẫn thấp. Như vậy, mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển cao chủ yếu là làm thế nào để tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu thu nhập GDP bình quân đầu người là 40.000 USD vào năm 2045.

Về lý thuyết, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm thì cứ sau 10 năm, chúng ta có mức tăng gấp đôi. Như vậy, đến năm 2030, tính theo GDP đã được tính lại thì GDP bình quân đầu người có thể đạt được 7.000 - 8.000 USD. Đến năm 2045, chúng ta có thể được từ 20.000 - 25.000 USD. Như vậy, khoảng cách của nước ta với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… sẽ giãn cách.

Nêu quan điểm về hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: Giai đoạn 2016 – 2021, các ngành Công ngiệp, Nông nghiệp, Dịch vụ đã dịch chuyển theo hướng tích cực; khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, tăng năng suất. Tuy nhiên, cơ cấu lại nền kinh tế chưa được đánh giá rõ. Công tác cơ cấu vùng kinh tế chưa được triển khai một cách rõ ràng hay xác định rõ bước đi, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, của từng tỉnh; chưa tạo được sự đột phá, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo; chưa có sự liên kết hiệu quả; tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn. Báo cáo quyết toán thu chi năm 2018 của Chính phủ đã nói lên điều đó.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đóng góp ý kiến.

Nghiên cứu ở nhiều địa phương, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận xét, công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực vẫn chưa gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chủ yếu các nhiệm vụ được thực hiện lồng ghép trong các báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, hoặc kế hoạch giai đoạn 5 năm mà chưa có kế hoạch, lộ trình thực hiện các lĩnh vực hoặc các ngành ưu tiên phát triển… Do đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, giai đoạn 2021 – 2026, Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình cơ cấu lại ngành ở các địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế một cách có hệ thống theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế vùng

Đóng góp vào việc cơ cấu lại để phát triển nền kinh tế ở khu vực miền núi, đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, khẳng định: Đây là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nhiều tiềm năng và lợi thế chưa được khai tác. Những bất cập này cũng là nguyên nhân dẫn đến còn có sự chênh lệch trong sự phát triển kinh tế giữa vùng núi và miền xuôi và đô thị.

Khu vực miền núi là phên dậu của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong việc giữ dân, giữ đất, giữ nguồn nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng là hướng đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Theo đó, cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh. Xác định những lợi thế và khó khăn của vùng để quy hoạch hợp lý các ngành kinh tế và các lĩnh vực địa bàn trọng điểm nhưng quan trọng nhất là xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để định hướng thống nhất trong phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng, làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách đầu tư trọng tâm trọng điểm.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng yêu cầu Chính phủ, Quốc hội ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở giao thông kết nối liên vùng. Để kết nối các tỉnh biên giới với thị trường lớn, tiềm năng là Trung Quốc cần triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc như Hà Nội-Cao Bằng-Lạng Sơn-Tuyên Quang. Đặc biệt là đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai đến cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang). Hiện nay, phía tỉnh Vân Nam đã cho xây dựng hệ thống đường cao tốc đến cửa khẩu Thiên Bảo để từ đó cả vùng sẽ phát triển dịch vụ logistic, đầu tư các khu vực cửa khẩu để phát triển kinh tế biên mậu. Do vậy, đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị xây dựng các tuyến đường quốc lộ 4, 4C, 2C, 279, 34, 280 để kết nối các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn vì đây chính là đầu tư thông tuyến huyết mạch để cả vùng phát huy lợi thế phát triển du lịch, văn hóa và góp phần thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản, hàng hóa đặc trưng của cả vùng.

Đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Với địa thế, tiềm năng cần được đánh thức ở các tỉnh biên giới như trên, đại biểu Vương Ngọc Hà cũng đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu, quy hoạch đầu tư xây dựng sân bay để kết nối thị trường nội địa với quốc tế nhanh hơn. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như: lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến. Đặc biệt là liên kết trong sản xuất, thu mua và thiêu thụ sản phẩm, đảm bảo không bị giới hạn bởi địa giới hành chính ở từng tỉnh.

Phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội là Việt Nam phải có được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Đóng góp về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, chúng ta đã bỏ sót một vấn đề rất quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển là quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Báo cáo Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới cần hình thành hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để triển khai và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số… Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế đang rất cần một lượng lớn những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực có chất lượng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu cho rằng, giải pháp cho nhu cầu này cần được quan tâm hơn.

Vừa qua, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đã được đề ra trong hầu hết các báo cáo của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền hàng năm. Tuy nhiên, chính sách, kế hoạch cân đối chuẩn bị nguồn nhân lực không được thực hiện ở các cấp mà chủ yếu phụ thuộc ở nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển, đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu thì các báo cáo lại tiếp tục đánh giá tồn tại là do nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, các sinh viên đăng ký ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay vào dự báo thị trường hiện tại. Điều này khiến cho sinh viên đăng ký vào các ngành học trong từng thời kỳ luôn diễn ra theo đồ thị hình sin, gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nguồn nhân lực cho toàn bộ nền kinh tế.

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, nguồn nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của quốc gia trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2026. Để cơ cấu lại nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực, thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, địa phương bên cạnh thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần chủ động tổ chức các giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

Đại biểu Lê Thanh Vân- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Đề cập về nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Lê Thanh Vân- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đánh giá cao chiến lược thu hút, sử dụng nguồn lực nhân tài mà Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng và đề nghị tập trung ưu tiên nhân tài lãnh đạo quản lý quốc gia, làm giàu, khoa học công nghệ, quản trị giáo dục, văn hóa nghệ thuật.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu về khả năng khởi xướng chính sách, đề ra chủ trương, trọng dụng nhân tài, lôi cuốn bộ máy… Các tiêu chí này cần được đánh giá định kỳ hàng năm, có kết quả cụ thể.

Trong khuôn tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về việc xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ; tái cơ cấu kinh tế phải gắn với mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng hiệu quả; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuế, chuyển giá; cần ó chính sách khoa học công nghệ phù hợp cho miền núi.../.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49670