ĐBQH đề nghị khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức

'Để chấn chỉnh, sự tiên phong gương mẫu là yếu tố cần, nhưng chưa đủ, phải có sự nghiêm khắc của luật pháp. Nếu không làm được thì tăng trưởng kinh tế cũng giảm ý nghĩa', đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân.

Đại biểu Lê Thanh Vân.

Ngày 22/10, Đại biểu Quốc hội (ĐB) thảo luận ở tổ về 5 vấn đề: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách 2020; Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp với người nộp thuế không còn khả năng nộp; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Làm rõ sự vững chắc tăng trưởng của nền kinh tế

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế đã đạt được thành quả “kép”, tăng trưởng cao đi đôi với dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên Chính phủ cần phân tích rõ hơn về những khó khăn thách thức cũng như có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, phát triển kinh tế tăng trưởng cao nhưng còn băn khoăn về tính vững chắc của tăng trưởng, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 40%, trong khi vốn vay nước ngoài ODA còn thấp hơn nữa.

Đồng quan điểm, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trên thực tế có những ý kiến băn khoăn về việc trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như vậy, vốn đầu tư công triển khai chậm, rất nhiều nguồn lực chưa được hòa vào tiến trình phát triển kinh tế … trụ cột của nền kinh tế cũng có sự hụt thu. Do đó, trong báo cáo Chính phủ nên có những minh chứng rõ hơn để có niềm tin vững chắc vào tính hiện thực của những kết quả đạt được.

Phân tích cụ thể, ĐB Mai nói: “Điệp khúc giải ngân chậm vốn đã trầm trọng hơn rất nhiều, chỉ đạt 49,1%. Về nguyên nhân, tôi cho rằng không phải do hệ thống pháp luật. Không chỉ ra được quy định nào bất cập thì chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật, trong khi khâu tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế như: giải phóng mặt bằng, giao vốn, chuyển nguồn vốn...”.

Liên quan đến vấn đề xã hội, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, tìm giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức trong gia đình, nhà trường và các mối quan hệ xã hội.

“Thực tế đã có tình trạng tội phạm bộc phát, biến thái bất thường. Trong văn hóa vẫn có trường hợp biến thái về tu hành, lạm dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi, làm sứt mẻ thanh danh của tôn giáo chân chính. Để chấn chỉnh, sự tiên phong gương mẫu là yếu tố cần, nhưng chưa đủ, phải có sự nghiêm khắc của luật pháp. Nếu không làm được thì tăng trưởng kinh tế cũng giảm ý nghĩa”, ĐB Vân nói.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) đánh giá, đạo đức của công chức rất đáng báo động nếu nhìn từ những vụ gian lận trong thi cử. Bà nói: “Có những người ra tòa mà nói không còn liêm sỉ, nó đánh mất niềm tin của con người. Thời chúng tôi chỉ hơn nhau 0,5 điểm đã không còn cơ hội, mà giờ gian lận như vậy, ra tòa vẫn không ăn năn, chối tội hết sức ấu trĩ”.

Thận trọng trong xóa nợ thuế

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8 năm 2019 giảm xuống ở mức 6,9%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ.

Theo ông Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp. “Có 771.416 người nộp thuế (trong đó 191.789 doanh nghiệp, 579.627 hộ gia đình và cá nhân) không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan thuế, với số nợ thuế 24.194 tỷ”, ông Dũng đưa một số liệu.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với các khoản nợ liên quan tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế với các doanh nghiệp nhà nước, vì có pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại. Do vậy, việc khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phải được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/dbqh-de-nghi-khac-phuc-tinh-trang-xuong-cap-dao-duc-476232.html