ĐBQH đề nghị cần luật hóa thế nào là nhân tài

ĐBQH đề nghị nên luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, tuyển chọn tiến cử đào tạo, bồi dưỡng

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cán bộ, công chức chiều 10/6, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài bằng việc bổ sung vào Điều 6 quy định những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài…

Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới. Ngày xưa cha ông ta đã làm và gọi họ là những nguyên khí của quốc gia. Dưới chính thể mới, ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng chính quyền thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Người cho rằng, nhân tài không thiếu trong dân chúng, chỉ e Chính phủ không nghe, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân.

Người cũng cho rằng, phát hiện nhân tài không chỉ qua đào tạo ở trường hay tuyển chọn qua thi cử bằng cấp mà còn phải tìm trong nhân dân. Từ đó, Người quan niệm rất giản dị về nhân tài rằng nhân tài chính là người có năng lực, nhân tài ở trong quần chúng, nhân tài cần phải được thừa nhận trên thực tế, không phải ở dạng tiềm năng, họ phải thực tế góp phần vào sự phát triển của xã hội v.v... những tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đã được Đảng, Nhà nước kế thừa và phát huy. Chủ trương đó của Đảng đang từng bước được luật hóa để đảm bảo thực hiện.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)

Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức lần này được cụ thể hóa thêm về chính sách đối với nhân tài là hết sức cần thiết, các chính sách đó được thể hiện ở Điều 6 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng “nhân tài là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong xã hội và đang có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào của Đảng và Nhà nước xác định rõ ràng về khái niệm nhân tài”.

Do đó, đại biểu đề nghị nên luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài bằng việc bổ sung vào Điều 6 quy định những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn tiến cử đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang)

Dù cho rằng quan điểm luật hóa các tiêu chí cơ bản của tài năng “rất có lý” tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) đã giơ biển tranh luận lại khi cho rằng, đề ra tiêu chuẩn ấy vào dự thảo “chắc chắn sẽ không đầy đủ, bao quát và làm hài lòng tất cả vị đại biểu Quốc hội”.

Bởi theo Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, việc quan trọng giúp phát triển tài năng là phải tháo gỡ rào cản đơn giản. Cụ thể như muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm lãnh đạo một đơn vị chuyên môn sẽ khó khăn vì vị giáo sư ấy sao có thể là viên chức, có bằng trung cấp chính trị.

"Cũng như người trẻ ở Việt Nam không phải viên chức thì không thể đưa vào vị trí bổ nhiệm, quy hoạch. Tôi đề xuất chúng ta nên có một hội đồng cho từng chuyên ngành, đặc biệt trong các đơn vị sự nghiệp công lập để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng, quyết định của hội đồng này có ý nghĩa quan trọng để chính quyền tham khảo, có thể đưa hội đồng này vào luật hóa”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau): Cần có Luật Thu hút và trọng dụng nhân tài Chính sách trọng dụng nhân tài là chính sách lớn, không thể bó hẹp trong một điều của một đạo luật. Nó là chính sách phủ lên rất nhiều lĩnh vực với nhiều đối tượng, không thể thu hút riêng trong khu vực nhà nước được. Viên chức cũng có thể trọng dụng nhân tài được, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục v.v... đều cần trọng dụng nhân tài, không riêng gì cán bộ, công chức.

Nội dung trọng dụng hiền tài rất nhiều, gồm cả nguyên tắc, tiêu chí nhận diện nhân tài trên từng lĩnh vực cụ thể từ chính trị, quản lý, điều hành, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật v.v... không thể bó hẹp trong một điều luật được.

Quan trọng là chính sách đãi ngộ, chiêu hiền, đại sĩ, trọng dụng nhân tài, trách nhiệm kỷ luật của nhân tài như thế nào, tiến cử, đề bạt cán bộ sử dụng như thế nào cho đúng với tài năng và chỉ có bằng đạo luật mới có thể loại bỏ cái gọi là ngụy hiền tài mang danh nguyên khí ra khỏi hệ thống chính trị. Đây là điều đất nước đang cần lúc này.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dbqh-de-nghi-can-luat-hoa-the-nao-la-nhan-tai-post302378.info