ĐBQH đề nghị bỏ 'Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm'

Một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Các ĐBQH thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (Ảnh: Quang Vinh).

Các ĐBQH thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (Ảnh: Quang Vinh).

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện có 2 phương án.

Theo đó, phương án thứ nhất: Bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là phương án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021).

Tại Báo cáo số 340/BC-CP ngày 24/9/2021 về tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó có giải trình về việc dừng trích Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Chính phủ cho rằng trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản. Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

Dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Còn phương án thứ hai: Giữ nguyên quy định cũ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cho rằng trường hợp dừng trích lập quỹ, khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm.

Mặc dù dự thảo Luật đã chuyển đổi sang phương thức can thiệp sớm, quản lý trên cơ sở rủi ro với 3 bước phòng vệ, tuy nhiên, vẫn không thể bảo đảm chắc chắn phòng ngừa 100% rủi ro, đặc biệt đối với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Do đó, việc duy trì Quỹ là cần thiết.

Ngày 1/4/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 121/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, Chính phủ đã đề xuất giảm mức trích nộp Quỹ để bảo đảm không tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm thay vì mức tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm như hiện nay, có thể giảm xuống còn 0,05% (giảm 6 lần so với hiện hành).

Về quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đề xuất rõ phương án xử lý số dư của Quỹ.

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), mục đích của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm là rất tích cực. Tuy nhiên khi đặt Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong tổng thể các quy định của dự thảo luật đang được xây dựng thì có sự trùng lắp về mục đích của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm với Quỹ Dự trữ bắt buộc.

Theo dự thảo luật, mục đích của Quỹ Dự trữ bắt buộc là để bổ sung vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán. Như vậy, mục đích của Quỹ Dự trữ bắt buộc cũng bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

“Thực tế cho thấy sau gần 12 năm thành lập và trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, vẫn chưa phải sử dụng đến nguồn quỹ này. Trong hồ sơ dự án luật, quỹ này cũng ít có khả năng phải sử dụng. Một quỹ ít có khả năng phải sử dụng đến, trong khi vẫn duy trì một quỹ khác có chức năng, mục đích tương tự do dó đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc việc không tiếp tục duy trì Quỹ Bảo vệ người bảo hiểm như phương án 1 đã nêu trong dự thảo luật ”- bà Nga chỉ rõ, và nhấn mạnh việc duy trì hai quỹ song song sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người được bảo hiểm vì các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh.

ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, nên quy định về Quỹ Bảo hiểm tiền gửi, còn bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Đồng thời sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ yêu cầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Mai Loan - Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dbqh-de-nghi-bo-quy-bao-ve-nguoi-duoc-bao-hiem-5687448.html