'ĐBQH chuyên trách chưa chắc có nguy cơ tham nhũng bằng anh địa chính cơ sở'

Tranh luận về việc nên hay không nên mở rộng phạm vi đối tượng trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng không nên lựa chọn phương án mở rộng hay thu hẹp về đối tượng mà chọn đối tượng cần kê khai.

ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng nên chọn nhóm đối tượng thay vì chọn lựa mở rộng hay thu hẹp phạm vi đối tượng trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Đức Thành

Để có căn cứ xác định nhóm đối tượng, ĐB Hiểu đề xuất "nên có nghiên cứu thống kê, xem xét các khuyến nghị của tổ chức minh bạch quốc tế hàng năm về các lĩnh vực, vị trí công tác thường có nguy cơ hoặc có nhiều tham nhũng. Thống kê án xét xử hàng năm xem tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực, chức vụ nào để có đề xuất" - ĐB Hiểu đề nghị.

"Có những ngành lĩnh vực bất kỳ công chức chuyên môn nào cũng đều phải kê khai; có những ngành lĩnh vực quy định chức danh chức vụ nhất định. Nhưng ngay chức danh, chức vụ nhất định cũng không phải vụ nào, phòng nào cũng đều kê khai mặc dù cấp có thể tương đương nhau mà phải chọn lĩnh vực. Như vậy mới chọn được đối tượng có nguy cơ tham nhũng để phòng chống có hiệu quả" - ĐB Hiểu nhận định.

Nói lời xin lỗi trước các ĐBQH và những người đang làm công tác mà mình sẽ nêu ví dụ, ĐB Hiểu nói: "Ta thấy rất dễ, một đại biểu quốc hội chuyên trách, một đại biểu HĐND chuyên trách có thể không có nhiều tài sản và nguy cơ tham nhũng chưa chắc bằng cán bộ địa chính của 1 xã, cán bộ trật tự xây dựng một phường hay kế toán của một trường học, bệnh viện, đó là một thực tế cần lưu tâm".

Từ thực tế, ĐB cũng đề xuất thêm: "Nghĩa vụ kê khai theo điều 40, quy định thêm cả bố mẹ và con thành niên. Từ vụ án Giang Kim Đạt cho thấy ông bố Giang Kim Hiển đã bị truy tố tội danh chứa chấp tiêu thụ tài sản, che dấu tội phạm vi ông ấy đứng tên nhiều tài sản.

Đức Thành - Xuân Hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/dbqh-chuyen-trach-chua-chac-co-nguy-co-tham-nhung-bang-anh-dia-chinh-co-so-577321.ldo