ĐBQH: 'Chờ uống rượu bia thường xuyên mới phòng thì không ổn'

Xoay quanh dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các ĐBQH đã bày tỏ quan điểm của mình tại phiên thảo luận dự án luật này ở hội trường ngày 16/11.

Tiếp tục phiên làm việc sáng ngày 16/11 tại kỳ họp thứ 6, các ĐBQH tham gia thảo luận về dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, ĐBQH Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật: “Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có những chế tài cụ thể mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát việc sản xuất bia, rượu không đảm bảo, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng cho người uống, mà còn cả cộng đồng, xã hội.

Về nội dung, ĐBQH Chiểu cơ bản nhất trí với dự thảo luật, nhưng đề nghị cơ quan thẩm tra cần nắm rõ rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau, do vậy không nên đồng nhất xử phạt các chế tài giống nhau là trái với quy định của pháp luật.

"Về tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” chẳng khác nào khẳng định rượu và bia là hoàn toàn có hại. Từ đó, có thể gây ra hiểu nhầm không đáng có”, ông Chiểu nói.

Từ sự hiểu nhầm có thể xảy ra, ĐBQH Trần Quang Chiểu nói về văn hóa lâu đời của người Việt khi cúng tổ tiên đều có bát cơm thơm, chén rượu mời tổ tiên, hay khách đến nhà thể hiện sự hiếu khách bằng chén rượu nhạt…

“Với mục đích của luật là bảo vệ sức khỏe nhân dân, chính vì thế đối tượng chịu tác động chính của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng phải có ý thức. Do vậy, tên luật cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm không có hại. Do đó, tôi đề nghị nên đặt tên của luật là “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại đồ uống có cồn””, ĐBQH Trần Quang Chiểu bày tỏ.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) tranh luận với ý kiến của ĐBQH Trần Quang Chiểu: “Dự án luật này không phải cấm rượu bia, mà là phòng, chống tác hại rượu bia. Nên, chỉ phòng những cái có hại… Tôi cũng tranh luận lại với từ “lạm dụng”, lạm dụng rượu là gì? Lạm dụng rượu chia làm 3 loại: Thứ nhất, uống mà có nguy hại sức khỏe; thứ hai, uống quá độ; thứ ba, nghiện rượu. Như vậy, ngay mức độ đầu tiên uống rượu có nguy hại sức khỏe, nếu uống thường xuyên gây nguy cơ tai hại đến mặt thể chất và xã hội. Như vậy, phải chờ đến uống thường xuyên mới phòng thì không ổn.

Tiếp nữa, nói rượu và bia là khác nhau nhưng cả hai loại này đều là đồ uống có cồn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, khi tham gia giao thông mà trong người có cồn thì bị phạt không cần biết sử dụng bia hay rượu”.

Tiếp đó, ĐBQH Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) về cơ bản đồng tình với những điều trong dự án luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thảo cũng góp ý một số điều.

“Qua nghiên cứu, dự án luật đã được soạn thảo rất công phu, tuy nhiên cách tiếp cận chưa được toàn diện, chỉ được tiếp cận theo y tế, quy định các biện pháp giảm cung giảm cầu, giảm tác hại của rượu, bia.

Trong khi đó, các vấn đề được đề cập của dự án luật có liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, văn hóa, du lịch… mang tính truyền thống, vì vậy đề nghị ban soạn thảo mở rộng cách tiếp cận vấn đề, để mang tính khả thi của dự án luật", ĐBQH Thảo nói.

Vị ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, sản xuất rượu thủ công là sản phẩm do hộ gia đình nhỏ lẻ làm, tập trung ở vùng nông thôn, miền núi. Phương thức sản xuất đóng chai đơn giản… Vì vậy, sản xuất rượu vẫn bán ra thị trường mà không đăng ký kinh doanh. Vấn đề đặt ra là cần có chế tài xử phạt nghiêm minh với chất lượng rượu sản xuất không đảm bảo này…

Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dùng thay đổi thói quen dùng rượu, nói không với rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc thì cần phải có sự quản lý chặt chẽ.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-cho-uong-ruou-bia-thuong-xuyen-moi-phong-thi-khong-on-a411120.html