ĐBQH: Chính phủ có giải pháp nào bảo vệ ngư dân bị bắt trên biển?

Sáng nay (6/6), tại phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn về tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực biên chưa phân định. Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh Lê Hiếu).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh Lê Hiếu).

Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, vấn đề bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của nước ta. “Chúng ta sẽ kiên quyết đấu tranh với các nước nếu họ bắt ngư dân của ta khi đánh cá trong vùng biển hợp pháp của ta”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, thời gian vừa qua, có một số ngư dân của nước ta bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định, cụ thể giữa Việt Nam và Indonesia. Một số vụ đã xảy ra va chạm, mỗi lần như vậy, Bộ Ngoại giao đều trực tiếp trao đổi và phản đối với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và với đối tác ở Indonesia đòi thả ngư dân và đền bù”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong thời gian vừa cũng có những vụ ngư dân đi đánh cá tại những vùng biển, vùng đặc quyền của các nước. Với những ngư dân này khi bị bắt Chính phủ cũng bảo lãnh công dân bằng cách thông qua thăm lãnh sự quán, thông qua việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng hợp lý và thả người.

Theo Phó Thủ tướng, để tránh việc ngư dân vi phạm cần phải tăng cường giáo dục, nhất là đối với ngư dân các tỉnh phía Nam để họ nắm rõ và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), đối với vấn đề thủy điện trên sông Mê Kông và những tác động, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam là khu vực hạ lưu, trong khi thượng nguồn sông Mê Koong, Lan Thương ở Trung Quốc có xây dựng nhiều đập thủy điện ảnh hưởng lưu lượng, dòng nước.

Hiện có cơ chế 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trong Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, khi có dự án phải tham khảo các nước và Việt Nam luôn là nước yêu cầu có đánh giá tác động môi trường đến dòng nước, đảm bảo tính phát triển bền vững do Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Với Trung Quốc, Việt Nam tham gia cơ chế hợp tác Mê Kông- Lan Thương chủ yếu về cơ sở hạ tầng, song Phó thủ tướng cho biết ta cũng yêu cầu vấn đề sử dụng bền vững dòng nước, yêu cầu các nước thượng nguồn xả đập thủy điện để tăng lượng nước cho dòng sông. Qua cơ chế hợp tác quốc tế Việt Nam đã nêu rõ quan điểm phát triển bền vững nguồn nước trên dòng sông này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chất vấn về việc giải ngân vốn ODA chậm và giải pháp của Chính phủ là gì? Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận đúng là tình hình giải ngân dự án dùng vốn ODA chậm, như năm 2018 mới đạt 63,2%; 5 tháng đầu năm 2019 có cải thiện, song vẫn chậm.

Về lý do, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các Bộ, ngành, địa phương không đảm bảo bố trí vốn đối ứng trong các dự án dùng vốn ODA. Ký các hiệp định vay vốn ODA, nhà cấp vốn yêu cầu Việt Nam phải có vốn đối ứng giải quyết các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng và các Bộ, ngành, địa phương khi đó đều cam kết sẽ có nguồn vốn này. Song thực tế khi triển khai dự án lại chưa bố trí, hoặc bố trí không phù hợp...

Ngoài ra, tại một số dự án, nhất là trong lĩnh vực giao thông việc lập kế hoạch chưa sát thực tế. Nguyên nhân khác là năng lực ban quản lý dự án, chủ đầu tư thấp, chưa đáp ứng trong triển khai thực tế; giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài; biến động tỷ giá... cũng ảnh hưởng tới giải ngân vốn vay ODA.

Lương Kết

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dbqh-chinh-phu-co-giai-phap-nao-bao-ve-ngu-dan-bi-bat-tren-bien-986136.html