ĐBQH chỉ quy trình bất biến của giá điện

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, ngày 30/5, Quốc hội bắt đầu thảo luận về kết quả phát triển kinh tế xã hội 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân là một trong vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho hay, từ thủa khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi".

Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên kỳ tăng giá điện vừa qua rất mập mờ, cần làm sáng tỏ; có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như doanh nghiệp công bố.

Cũng theo ông Cương, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, một người dân nêu vấn đề đáng suy nghĩ là: "Cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp, tối thiểu 100 – 150 kWh, chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo, khó khăn".

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu.

Vị đại biểu đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra ngành điện để dư luận biết được bức tranh chung. Ông cho rằng so sánh giá điện của Việt Nam thấp hơn khu vực là không thuyết phục, bởi thu nhập bình quân, mức sống của người Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước.

"EVN chọn đúng lúc trời nắng nóng để tăng giá điện, thế là chỉ cần đổ cho thời tiết, không phải giải thích nhiều. Trong khi ở một số nước khi nắng nóng họ giảm giá điện cho dân thì chẳng thấy ai so sánh?", ông Cương nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đặt câu hỏi: "Lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có thực hiện được hay không? Tôi nghe một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và thất thoát do chậm tiến độ là tất yếu".

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhận xét, tiền lương người dân không tăng nhưng điện, xăng dầu tăng. Đại biểu đề nghị làm rõ việc tăng giá điện ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao và đề nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện.

Cùng chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng phản ánh ý kiến của cử tri rằng việc tăng giá điện là không phù hợp, điều chỉnh giá theo lộ trình nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế. Bà Phúc đề nghị sớm công bố kết luận thanh tra tăng giá điện, có đúng quy định hay không và sai thì xử lý thế nào.

"Việc tăng giá điện cũng làm tăng giá các mặt hàng khác thì phải có giải pháp cho việc tăng giá 'té nước theo mưa' này, kiểm tra kê khai giá theo đúng quy định", bà Phúc đề nghị.

Một nghịch lý được một số đại biểu chỉ ra, đó là trong lúc dư luận đang trong cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện tăng giá điện, thì ở khu vực miền núi, hải đảo, nhiều người dân vẫn "nằm ngoài cuộc".

"Trong khi đa số công dân cả nước đã, đang được hưởng thụ thành quả từ cách mạng công nghiệp 4.0 thì còn hơn 1.400 thôn bản chưa có điện, người dân nơi đây còn bên lề cuộc thảo luận sôi động tăng giá điện. Bao giờ họ có thể tiếp cận điện lưới khi tỷ lệ dân trí còn cách xa phần còn lại?", bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc nêu thực tế.

Cùng quan điểm, ông Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nhắc tới việc cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo hiện vẫn chậm so với yêu cầu. Ông dẫn chứng tại tỉnh Cao Bằng, 10% số hộ của tỉnh chưa có điện lưới. Ở những huyện miền núi như Bảo Lạc, Bảo Lâm, hơn 45% số hộ tại đây chưa có điện.

Ông Đức đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện công trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dbqh-chi-quy-trinh-bat-bien-cua-gia-dien-3381001/