ĐBQH: Cần tăng nặng, bổ sung hình phạt tội danh xâm hại trẻ em

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, mấu chốt là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng nặng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em.

Quốc hội dành nguyên 1 ngày để thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Quốc hội dành nguyên 1 ngày để thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, Quốc hội đã dành nguyên ngày để thảo luận trực tuyến về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), qua giám sát cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là những hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho trẻ em.

Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện xử lý nghiêm chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành đồng bộ chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em mặc dù nhiệm vụ này đã được xác định trong chương trình bảo vệ trẻ am giai đoạn 2011 – 2020.

"Do đó, cần thiết quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nội dung yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thành chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em trong năm 2020 làm nền tảng quản lý", đại biểu Trần Thị Hiền nói.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua. có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em với 83 văn bản của Trung ương (18 luật, 30 nghị định, quyết định, chị thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 35 thông tư của các bộ) và rất nhiều văn bản của địa phương.

Các văn bản trên đều đã có một số quy định cụ thể về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, ở tầm quốc gia chưa có chính sách thống nhất, rõ ràng thể hiện đầy đủ trong một chương trình kế hoạch hành động với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, thiếu một thiết kế tổng thể về hệ thống phòng ngừa và xử lý trong vấn đề này.

Phải đến ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.

"Điều này dẫn đến trong tổ chức thực hiện đã thiếu thiết chế điều phối đủ mạnh, thiếu sự phân công trách nhiệm cho từng chủ thể tham gia, việc bố trí nguồn lực, kinh phí, nhân sự, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cấp, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em", đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ khẩn trương lồng ghép kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống xâm hại trẻ em như là một hợp phần quan trọng của chương trình quốc gia, trong đó, đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại cùng các giải pháp theo lộ trình và có phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tổ chức hữu quan.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), thực tế, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc.

"Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm", vị đại biểu tỉnh Quảng Bình nói.

Ngoài ra, một số ĐBQH bày tỏ quan điểm, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử; cần bố trí các phòng xử án thân thiện, bảo đảm giữ kín danh tính cho trẻ em bị xâm hại.

Báo chí cũng cần cẩn trọng trong quá trình đưa tin nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ...

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn, như: Có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (7,7% đã thôi học và 0,6% chưa bao giờ đi học). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều: 1.773.112 trẻ, chiếm 7,16% tổng số trẻ em; số lượng trẻ em có cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật còn lớn....

Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau...

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dbqh-can-tang-nang-bo-sung-hinh-phat-toi-danh-xam-hai-tre-em-127337.html