ĐBQH: 'Cán bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập đông nhưng không mạnh'

Có thể thấy, hệ thống cung ứng sự nghiệp công đã phủ kín hầu hết các địa bàn, lĩnh vực. Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao phủ kín đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công (SNC) và thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị SNCL còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn.

Công tác quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế.

Hệ thống các đơn vị SNCL còn cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún, quá nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Đánh giá về điều này, ông Lê Văn Cuông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII cho biết: Hiện nay lực lượng cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập đông nhưng không mạnh.

Cán bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập đông nhưng không mạnh. (Ảnh minh họa)

Cán bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập đông nhưng không mạnh. (Ảnh minh họa)

Số lượng đội ngũ cán bộ trong thời gian qua cũng tuyển dụng nhiều quá, không những không tinh giản biên chế mà còn khiến biên chế phình to mà “chất” chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta đang làm cuộc cách mạng đổi mới cả về lượng và chất, giảm lượng cán bộ công chức, viên chức đi cho tinh gọn nhưng lại tăng chất lượng lên. Vấn đề mấu chốt là triển khai thực hiện.

Việc này vấp phải khó khăn vì đụng chạm lợi ích, đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của con người. Tuyển vào thì dễ chứ giảm thì khó. Hiện nay, muốn sắp xếp lại các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan sự nghiệp công lập nói riêng được gọn nhẹ và có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thì phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó; phải xác định chặt chẽ các vị trí làm việc, từng vị trí đó cần bao nhiêu nhân lực. Từ đó, cần cố định mức nhân sự và mức lương. Nếu tiết kiệm được lao động, hiệu quả công việc tăng lên thì thu nhập tăng, ngược lại thì nhận lương ít đi.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không làm kiên quyết và triệt để. Hiện cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Gần 70% ngân sách nhà nước chi thường xuyên mà cơ bản là dành để trả lương cho công chức, viên chức. 70% đội ngũ viên chức thuộc ngành giáo dục, sau đó số lượng lớn thứ 2 là ngành y tế.

TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, trong quy hoạch phát triển ngành Y tế đến 2025, tầm nhìn đến 2030, ngành Y tế sẽ tiến hành sáp nhập các đơn vị có cùng chức năng nhiệm vụ tương đồng;

Rà soát, chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về UBND tỉnh quản lý, Bộ Y tế chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các trường đại học Y - Dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt.

Ngành đã quán triệt khi sáp nhập tổ chức lựa chọn thì phải lựa chọn những người có năng lực thật sự tốt để tiếp tục giữ chức vụ trong tổ chức mới. Số còn lại sẽ xem xét tinh giản theo hướng một số người sẽ làm chuyên môn hoặc điều chuyển sang vị trí khác.

Có thể thấy, đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị SNCL là đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý; giữ vai trò nòng cốt trong thị trường dịch vụ SNC, cung ứng dịch vụ SNC có chất lượng ngày càng cao; đảm nhận tốt vai trò cung ứng dịch vụ SNC cơ bản, thiết yếu; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ SNC cho mọi tầng lớp nhân dân và xã hội.

Giảm mạnh tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị SNCL, tạo điều kiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và cải cách tiền lương.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ SNC, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị SNCL với ngoài công lập, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ SNC.

Để làm được điều đó, chúng ta phải xác định mục tiêu cụ thể của giai đoạn đến năm 2021 là cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa các chủ trương của đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị SNCL.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dbqh-can-bo-trong-don-vi-su-nghiep-cong-lap-dong-nhung-khong-manh-post255114.info