ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: 'Không đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm'

Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, khi nghe câu chuyện cô công nhân xanh xao đề nghị làm thêm giờ, ông đã rất cảm động, suy nghĩ và không đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm…

Đề nghị của Chính phủ về việc nới khung giờ làm thêm tối đa (từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Còn quan điểm của ông ra sao?

Chính phủ đề xuất việc nới khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm là xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống.

Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm không chỉ đánh giá tác động liên quan đến năng suất, hiệu quả làm việc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người lao động. Hơn nữa, xu hướng chung hiện nay là hướng đến các giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động, quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, đồng thời tạo cơ hội thu hút lao động, giảm thất nghiệp. Do đó, cần đánh giá tác động hiệu quả kinh tế - xã hội để quyết định tăng hay không tăng giờ làm thêm.

Theo tôi, nên thực hiện theo quy định hiện hành là cơ bản. Nếu cho phép mở rộng thêm 100 giờ làm thêm so với quy định cũ thì chỉ là cá biệt trong một số ngành nhất định do Chính phủ cho phép. Đồng thời, nên dựa trên cơ sở thỏa thuận của chủ sử dụng lao động và người lao động có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước và công đoàn; đồng thời tiền lương làm thêm phải bảo đảm bù đắp hao phí lao động cho quá trình tái sản xuất sức lao động.

ĐBQH. Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại một phiên chất vấn của Quốc hội.

Tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trình độ quản lý của doanh nghiệp ngày càng tốt lên. Việt Nam muốn tăng giờ làm thêm có phải là đang đi ngược lại với xu hướng tiến bộ của thế giới, thưa ông?

Đúng là việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Giảm giờ làm là một xu hướng tiến bộ, là mong muốn của chúng ta. Ta chưa giảm được mà còn tính tăng thêm giờ làm. Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh mà chúng ta ngồi đây bàn tăng thời gian làm thêm cho người lao động thì phải cân nhắc”.

Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Tranh luận về việc có nên tăng giờ làm thêm hay không - phải dựa vào chứng cứ và báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Tăng giờ làm thêm nếu không có tính toán kỹ lưỡng rất dễ dẫn đến lợi bất cập hại và dễ có rủi ro trong quyết định?

Thẩm tra về nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, tôi cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ.

Đồng thời, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động. Ngoài ra, cần tính đến tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Tăng giờ làm thêm hay không nên phụ thuộc vào điều kiện, sức khỏe của người lao động. (Nguồn: Lao động)

Những nước phát triển đã giảm giờ làm việc để người dân được nghỉ ngơi, hưởng thụ, còn mình lại đề xuất tăng giờ làm. Phải chăng chúng ta nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và giờ làm việc của người lao động Việt Nam?

Tôi cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề này. Như đã phân tích ở trên nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động nhưng bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Năng suất lao động hiện nay của Việt Nam trong khu vực ASEAN là rất thấp, chỉ đứng trên Campuchia. Đây là thời điểm chúng ta phải nỗ lực lao động để phát triển đất nước. Người lao động cần đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn này. Đây chưa phải lúc để thực hiện tăng lương giảm giờ làm. Điều này chỉ có thể thực hiện khi nền kinh tế của chúng ta phát triển tốt hơn trong tương lai”.

Nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, không mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa vì thời giờ làm việc bình thường của người lao động ở nước ta còn cao hơn so với các nước. Nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động toàn diện về sức khỏe, tuổi thọ, thực chất nhu cầu làm thêm của người lao động, năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, cơ hội việc làm của lao động trẻ, việc sa thải lao động lớn tuổi, đời sống hôn nhân, gia đình, chăm sóc con cái, những tác động về lâu dài…

Khi đi thực tế tại Bình Dương, tôi thấy các cháu công nhân xanh xao, gầy yếu đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nếu không thì không đủ sống, không có tiền ăn, không đủ nuôi con. Nhưng cô ấy cũng lo lắng làm thêm giờ như vậy sức khỏe ảnh hưởng, lúc ốm đau thì tiền đâu chữa bệnh. Vấn đề này làm tôi rất suy nghĩ và không muốn đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm.

Xin cảm ơn ông!

Yến Nguyệt

(thực hiện)

Yến Nguyệt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-bui-sy-loi-khong-dong-thuan-voi-viec-tang-gio-lam-them-99790.html