ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: 'Chất vấn tại Quốc hội cần đi tới tận cùng vấn đề'

'Chất vấn phải là hình thức đối thoại để tìm ra vấn đề tồn tại, yếu kém và cách khắc phục. Tôi nghĩ Quốc hội nên dùng các hình thức đối thoại và phải theo dõi sau chất vấn, các Bộ trưởng có thực hiện lời hứa không, làm đến đâu và làm như thế nào...', đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Tại kỳ họp thứ 6, phiên chất vấn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” song Quốc hội sẽ đề nghị các đại biểu không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao trình ra mà dành trọn vẹn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp” luôn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - ĐBQH đoàn Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, cách thức chất vấn lần này dựa trên kinh nghiệm của các kỳ họp trước, đó là đặt câu hỏi và trả lời ngay, không phải chờ nhiều đại biểu hỏi một lượt rồi mới trả lời.

Ngoải ra, chất vấn sẽ không còn đi theo nhóm vấn đề như trước mà đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, thấy cần thiết phải trả lời ngay.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

"Chất vấn tại Quốc hội cần đi tới tận cùng vấn đề. Tất nhiên, không phải vấn đề nào cũng đưa ra chất vấn mà đại biểu thấy vấn đề nào bức bách thì đặt ra. Người trả lời ngoài việc giải đáp còn phải xử lý hoặc đưa ra hướng xử lý vấn đề đại biểu chất vấn, nếu không chẳng giải quyết được vấn đề gì", ông Lợi nêu quan điểm.

Phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 30-10 tới 1-11 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi.

Cũng theo đại biểu này, chất vấn không phải ra đưa ra để "nói nặng" nhau mà vì sự phát triển chung của đất nước. Cả người hỏi và người trả lời cũng không nên coi chất vấn là điều gì nặng nề mà phải xem đó là động lực cho sự phát triển.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, lâu nay, tất cả các cuộc chất vấn diễn ra rất gay gắt nhưng hậu chất vấn, nếu chúng ta xử lý tốt vấn đề thì nhân dân càng tin tưởng.

"Chất vấn phải là hình thức đối thoại để tìm ra vấn đề tồn tại, yếu kém và cách khắc phục. Tôi nghĩ Quốc hội nên dùng các hình thức đối thoại và phải theo dõi sau chất vấn, các Bộ trưởng có thực hiện lời hứa không, làm đến đâu và làm như thế nào", ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại kỳ họp này, nhiều Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao bởi đã thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân.

"Người ta nhận đơn của người dân, xử lý tới nơi tới chốn. Người dân cần cái đó, cần giải quyết vấn đề cụ thể chứ không hứa suông. Vì vậy, hình thức chất vấn lần này của Quốc hội sẽ rất có lợi cho nhân dân và người dân cũng đang rất mong chờ", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, có vấn đề đưa ra chất vấn, ngoài trách nhiệm của Bộ trưởng thì còn trách nhiệm của Quốc hội, bởi có thể chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật dẫn đến triển khai, thực hiện còn trục trặc thì phải xem xét các cơ quan xây dựng pháp luật, chứ không chỉ riêng mình Chính phủ và Bộ trưởng lĩnh vực đó.

"Tôi cho rằng việc của Chính phủ cũng là việc của Quốc hội và phải coi việc phối kết hợp xử lý vấn đề đó là trách nhiệm của các bên có liên quan", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dbqh-bui-sy-loi-chat-van-tai-quoc-hoi-can-di-toi-tan-cung-van-de/787619.antd