ĐBQH: 8B Lê Trực đang thách thức dư luận

'Sự tồn tại của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều khu nhà thương mại, chung cư cao tầng thách thức dư luận và thể chế'

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại trước công tác quản lý và xử lý các sai phạm trong xây dựng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự luật chưa đề cập là sự tồn tại của những công trình thách thức dư luận và thể chế như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, cùng nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng.

"Với quy định chặt chẽ mà có những sai phạm phổ biến như vậy thì cần phải tìm nguyên nhân từ đâu. Nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, không vi phạm điều cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng, vì sao sai phạm vẫn xảy ra?.

Nguyên tắc quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng nghìn chung cư sai phạm…?", ông Nhân đặt câu hỏi.

Tòa nhà 8B Lê Trực.

Tòa nhà 8B Lê Trực.

Ông Nhân cho rằng, việc phạt cho tồn tại, hay quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng đã chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Nếu giải pháp tích hợp trong Luật Quy hoạch được thực thi thì liệu 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có cơ hội được tồn tại hay không?.

Vị Đại biểu này khẳng định, nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội nữa.

Theo Đại biểu Phạm Trọng Nhân, những nguyên tắc cơ bản là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế đã không được tuân thủ nghiêm túc.

"Thực tế, gần 1.400 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1-6 lần, từ việc tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn tới chuyện chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật…

Điều đó cho thấy các quy định của không chỉ luật Xây dựng hiện hành mà rát nhiều đạo luật khác như luật Thủ đô, luật Quy hoạch, luật Quy hoạch đô thị… đã bị xem thường", vị Đại biểu nhấn mạnh.

Giải trình về các vấn đề Đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà xác nhận, những bức xúc tồn tại thực tế các Đại biểu nêu là xác đáng song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế và với việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.

"Từ ngày 1/1/2018 đã không còn việc 'phạt cho tồn tại'. Tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm", Bộ trưởng Hà khẳng định.

Hạn chót cận kề

Theo ghi nhận của phóng viên sáng 27/11, tại tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) vẫn không có bất kỳ động tĩnh gì đáng kể cho thấy việc thực hiện phá dỡ hay khảo sát phá dỡ.

Trong khi đó, giữa tháng 11, UBND TP.Hà Nội có văn bản trả lời cử tri huyện Hoài Đức về đề nghị thành phố xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực.

Văn bản nêu rõ, ngày 2/8, UBND TP.Hà Nội đã đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng, đặc biệt quan tâm chỉ đạo đơn vị tư vấn của Bộ lập phương án tháo dỡ giai đoạn 2 trên cơ sở hồ sơ hiện có và khảo sát kiểm định.

Trong giai đoạn chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến và phối hợp hướng dẫn xử lý, UBND quận Ba Đình tiếp tục chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ. Dự kiến tiến độ hoàn thành trong năm 2019.

Như vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa là bước sang năm 2020 song công tác phá dỡ phần sai phạm còn lại của tòa nhà 8B Lê Trực vẫn dậm chân tại chỗ. Điều này khiến dư luận băn khoăn về mục tiêu mà Hà Nội đề ra.

Ngọc Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dbqh-8b-le-truc-dang-thach-thuc-du-luan-3392254/