ĐB Trương Trọng Nghĩa: Phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi hết tiểu học

Thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) có ý kiến khá thú vị khi ông đề nghị phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi học sinh hết tiểu học. 'Hồi tôi đi học, bạn nào ngọng bị cô giáo yêu cầu tập đọc trước cả lớp. Cháu tôi nói ngọng, gia đình bèn cho đi học lớp chữa nói ngọng', ông cho hay.

Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Giáo dục sửa đổi. Dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại 3 kỳ họp, dự kiến sẽ thông qua ở kỳ họp sau.

Luật cần cấm, hoặc hạn chế việc giáo dục chạy theo điểm số, thành tích

ĐB Lâm Đình Thắng (TPHCM) đề nghị định nghĩa khái niệm về giáo dục khai phóng. Tình trạng quá tải, bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay cần phải được khắc phục khi sửa luật này. Nhiều học sinh bây giờ chán học, học quá tải, mất hết hứng thú học tập. Luật cần cấm, hoặc hạn chế việc giáo dục chạy theo điểm số, thành tích. “Các cháu bây giờ tự học không nổi, bố mẹ phải học cùng thì mới hết bài, rất khổ”, ĐB Lâm Đình Thắng nói.

ĐB Lâm Đình Thắng

ĐB Lâm Đình Thắng

Luật Giáo dục sửa đổi cần cập nhật xu thế giáo dục của thế giới, chú trọng đến hoạt động giáo dục trải nghiệm. Ví dụ, hiện nay môn giáo dục công dân với các bài học về đạo đức của học sinh vẫn đang được dạy theo kiểu học thuộc để trả bài.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại cho rằng, không nên có quan điểm học sinh đi học phải vui, phải được chơi. Học hành cũng là nghĩa vụ, cần tạo lập cho học sinh tính kỷ luật: học hành xong thì được chơi. Dĩ nhiên, trường công phải điều chỉnh chỗ này, tạo hứng thú học hành cho học sinh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu câu hỏi: Tại sao học sinh công lập sáng ra sợ đến trường, còn học sinh trường quốc tế thì đến trường thấy rất vui. Rõ ràng cần giảm tải chương trình, tăng giáo dục cả kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm giáo dục. “Phát triển giáo dục cần thích ứng với thời đại công nghệ 4.0”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

Bộ GD-ĐT không nên biên soạn SGK?

Do tới đây thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên theo ĐB Lâm Đình Thắng, kết quả thẩm định SGK của Hội đồng quốc gia phải được công khai để minh bạch thông tin, giúp cho việc xây dựng các bộ SGK đạt chất lượng.

ĐB cũng đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, quản lý làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về SGK thì không tham gia biên soạn SGK để bảo đảm công bằng, bình đẳng với các tổ chức, cá nhân viết SGK khác, nhất là tư nhân.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cũng đồng quan điểm cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước không nên tham gia viết SGK. “Hiện nay chúng ta có sự luẩn quẩn trong vấn đề này, dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực SGK. Cần quy định rõ trong luật SGK giao cho Hội đồng thẩm định quốc gia quy định tiêu chuẩn chung, khung chung đối với SGK của từng bậc học. Sau khi có SGK từng địa phương nào sử dụng bộ SGK nào thì do tỉnh thành đó quyết định”, ĐB Diệu Thúy nói.

Báo động trẻ tự kỷ

Nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm đến tình trạng học sinh tự kỷ vì đang có chiều hướng gia tăng, có thể tới 10% hoặc cao hơn.

“Đối tượng này chưa được quan tâm, chưa có chính sách, đầu tư, cũng chưa có quy định nào trong luật. Trong khối mầm non, phải có nội dung về phát hiện và cảnh báo trẻ tự kỷ sớm cho phụ huynh. Vì trẻ càng được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị, giáo dục càng cao”, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nêu.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng tán thành với các ý kiến cần có chính sách, quan tâm, giáo dục can thiệp sớm với đối tượng học sinh bị tự kỷ.

Lương giáo viên phải quy định rõ

Về lương giáo viên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng cần quy định rõ ra là lương nhà giáo được xếp mức nào, cao gấp mấy lần mức lương tối thiểu? Không nên quy định chung chung như trong luật, sẽ không khả thi.

“Cần có đề xuất rõ ràng, cụ thể, vì lương giáo viên hiện nay nuôi bản thân chưa đủ chứ đừng nói đến nuôi gia đình. Khi lương không đủ sống thì giáo viên, cơ sở giáo dục sẽ tự xoay xở đủ kiểu để đủ sống, lúc đó ranh giới giữa tiêu cực và không là rất mỏng manh. Do đó, giáo viên, cơ sở giáo dục phải được có cơ chế để bảo đảm thu nhập một cách đàng hoàng, không phải xoay xở từ các khoản thu từ máy lạnh máy chiếu… mà dư luận vẫn gọi là lạm thu”, ĐB Phong Lan nói.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, tiền lương, đãi ngộ của giáo viên hiện này chưa ổn, tỷ lệ giáo viên chưa hài lòng vì lương chưa đủ sống chiếm tới 70%. ĐB đề xuất có chính sách tiền lương cao hơn đối với giáo viên ở khu vực khó khăn, đặc biệt là những giáo viên giỏi được điều động lên làm cán bộ quản lý giáo dục cần được chế độ xứng đáng vì hiện nay nhiều người không muốn bị điều đồng, do chế độ lại bị giảm.

ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đồng ý lương nhà giáo phải được sắp xếp ở mức thỏa đáng nhất để thầy cô yên tâm với sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, nếu ghi như dự thảo quy định “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ” là chưa ổn.

“Như vậy quá phụ thuộc Chính phủ, khi có tiền thì Chính phủ xếp cao, không có tiền thì xếp thấp. Luật cần nêu cụ thể, không chung chung như vậy”, ĐB Nguyễn Văn Chương nói.

"Giáo dục nhà trường hiện nay không gắn với giáo dục gia đình"

ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cũng cho rằng khi chuyển giáo dục từ bao cấp sang xã hội hóa đã nảy sinh quá nhiều vấn đề, nhất là ở bậc nhà trẻ, mầm non. Hiện nay chỉ những người có nhiều tiền mới được thụ hưởng giáo dục tiên tiến, còn lại người nghèo vẫn phải chịu một nền giáo dục có quá nhiều vấn đề.

“Dù hội nhập giáo dục tiên tiến của thế giới đến đâu, giáo dục khai phóng thế nào thì vẫn phải trên cơ sở thực tiễn của đất nước, định hướng phát triển, chuẩn mực đạo đức của chúng ta. Đừng nóng ruột quá rồi chạy theo mọi tư tưởng đổi mới, cuối cùng lại không đâu vào đâu”, ĐB Nguyễn Văn Chương cảnh báo.

Ông cho rằng, giáo dục nhà trường hiện nay không gắn với giáo dục của gia đình, trong khi lẽ ra đây là 2 môi trường phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Điều này thì các trường quốc tế tại Việt Nam làm tốt hơn. “Trường quốc tế hàng ngày họ thông tin cho phụ huynh con em họ ăn uống, học hành, sinh hoạt thế nào, trường công của chúng ta không làm được điều đó. Gia đình nhiều khi phó mặc cho nhà trường, còn nhà trường thì lỏng lẻo trong liên hệ với gia đình”, ĐB Nguyễn Văn Chương nói.

Thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) có ý kiến khá thú vị khi ông đề nghị phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi học sinh hết tiểu học. “Hồi tôi đi học, bạn nào ngọng bị cô giáo yêu cầu tập đọc trước cả lớp. Cháu tôi nói ngọng, gia đình bèn cho đi học lớp chữa nói ngọng”, ông cho hay. Bởi nói ngọng sẽ khiến đến viết sai.

ĐB Trương Trọng Nghĩa

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, giáo dục phải tăng cường dạy đạo đức cho học sinh.

“Đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại. Dù giáo dục tiên tiến đến đâu mà đạo đức có vấn đề thì giáo dục không ổn. Phải làm sao giáo dục học sinh thích làm người tử tế, thay vì thích làm người giàu. Luật Giáo dục cần đưa điều này vào, đề cao lòng yêu thương con người, yêu mến sự tử tế. Cả trong gia đình và nhà trường đều nên giáo dục 2 điều này”, ông nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng ngoại ngữ vô vùng quan trọng, nhưng sau mấy chục năm đổi mới, phát triển thì trình độ ngoại ngữ của Việt Nam vẫn rất hạn chế. Phải để học sinh tiếp cận ngoại ngữ càng sớm càng tốt, cần tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cũng nhấn mạnh đến kỹ năng ngoại ngữ đối với người lao động hiện nay và cho rằng, luật cần quy định cụ thể hơn về vấn đề dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông để có đầu tư thỏa đáng, vì nếu đến học nghề, đại học mới học ngoại ngữ thì “chúng ta thua”.

Vì tỷ lệ ngọng quá cao, Tiểu học thị trấn Phú Xuyên (Hà Nội) được chọn là nơi đầu tiên thí điểm chương trình dạy phát âm chuẩn của thành phố Hà Nội, bắt đầu từ tháng 4-2009. Hàng tháng chuyên viên của Sở GD-ĐT được mời về trường nói chuyện với giáo viên, học sinh. Bắt đầu mỗi tiết tập đọc, giáo viên đều nhắc lại cách đặt lưỡi phát âm chuẩn "l, n", sửa cho những học sinh nói ngọng. Theo khảo sát mới nhất của Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên vào tháng 4-2018, có 12 giáo viên (chiếm 25%), 338 học sinh (chiếm 30%) phát âm ngọng. Tức sau 10 năm tỷ lệ ngọng vẫn còn cao.

12 huyện ngoại thành khác của Hà Nội áp dụng chương trình sửa ngọng từ năm 2011, nhưng đến năm 2015 thì dừng. Những huyện tỷ lệ giáo viên, học sinh ngọng cao như Mê Linh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thường Tín..., việc luyện âm chuẩn "l, n" hầu như không còn được nhắc đến…

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/muon-luong-giao-vien-cao-ma-ghi-chung-chung-thi-khong-thuc-hien-duoc-557806.html