ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công lý không bao giờ được phép mua bán

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đối xử tương xứng, cùng với quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ.

Sáng 30-3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.

Phát biểu, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng những tư tưởng và quan điểm tiến bộ của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa trong các đạo luật có liên quan.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa thay đổi tư duy, thói quen và nhận thức cũ để phù hợp với những quy định mới đó.

“Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa chưa được áp dụng triệt để”- ông Nghĩa nói cho biết trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ nhận bằng quyền lực của công tố và thẩm phán, không phải bằng chứng cứ, luận cứ khách quan, khoa học…

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: quochoi.vn

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: quochoi.vn

“Nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, theo luật định là những người chưa có tội, nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn là khi thi hành án. Vẫn còn tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ, tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử đi nữa cũng là khuyết điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng”- ông Nghĩa nói tiếp.

Cạnh đó, ĐBQH đoàn TP.HCM cũng nhận định các thời hạn, thời gian tố tụng và thi hành án bị trễ hạn một cách thường xuyên, kể cả tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

“Không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí quên lãng. Có những trường hợp bản án đã bị hủy, sửa do sai sót nhưng thẩm phán khi xét xử lại vẫn theo ý mình, bất chấp ý kiến giám đốc thẩm của tòa cấp trên. Có những bản án dựa trên luận cứ sơ sài, bất hợp lý, không xem xét chứng cứ toàn diện khiến cho đương sự bức xúc cho rằng có tiêu cực…”- ông Nghĩa nói.

Ông cũng cho rằng không ít doanh nhân trong và ngoài nước rất lo lắng khi có những phán quyết của trọng tài thương mại bị tòa án hủy bỏ vì những sai sót tiểu tiết, hoặc vì những lý do vô lý khiến họ rất ngại khi đầu tư kinh doanh vào Việt Nam.

Cũng theo ông Nghĩa, khi người dân bị bắt nạt, lừa đảo, xâm hại, họ chờ đợi nhà nước và trực tiếp là các cơ quan tố tụng khôi phục công bằng cho họ, nghĩa là ban hành một quyết định, phán quyết dựa trên công lý.

“Muốn có công bằng phải có công lý vì công bằng phải được bảo đảm bằng công lý và đó là nhiệm vụ chủ yếu của tư pháp. Niềm tin vào quyền tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gắn trọng trách giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng của mình”- ông Nghĩa nhấn mạnh và khẳng định muốn làm được điều này họ phải giữ được “liêm chính” như Nghị quyết 13 của Đảng đã đề ra.

Ông Nghĩa phân tích: Qua kinh nghiệm của các nước và của ông cha ta, muốn giữ được “liêm chính” phải “dưỡng liêm”, mà cách “dưỡng liêm” có hiệu quả nhất là cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của các cá nhân, nhà nước phải bảo đảm thu nhập cho họ, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội.

“Ngay cả ở những nước phát triển nhất, làm quan tòa không thể giàu nhưng nhà nước không thể để cho họ ở tầng lớp nghèo trong xã hội. Năm 1986, GDP bình quân đầu người của VN là 100USD, năm 2020 là 3500USD, tăng 35 lần. Chúng ta tự hỏi lương của thẩm phán và kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa?”- ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ông, nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đối xử tương xứng cùng với quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì cử tri và nhân dân sẽ có được điều họ luôn mong ước là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ, dù họ giàu hay nghèo.

“Công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán. Khi đó, người dân không cần đi tìm xem Bao Công trong phim Trung Quốc bởi vì đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương, bằng thịt trong mỗi tòa pháp đình của Việt Nam”- ông Nghĩa kết luận.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/db-truong-trong-nghia-cong-ly-khong-bao-gio-duoc-phep-mua-ban-975652.html