ĐB Quốc hội: 'Nợ xấu mới chỉ khoanh vùng, chưa xử lý có nguy cơ làm tăng gánh nặng ngân sách'

“Ở nước ta thị trường mua bán nợ chưa hình thành, trong khi đó nợ xấu mới được khoanh vùng và chưa được xử lý có nguy cơ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại phiên thảo luận sang 3/11.

Trong ngày thứ hai thảo luận về “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020” tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, các đại biểu cho ý kiến nhiều về tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu nông nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Hoa Vy (Cà Mau) thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn chưa được của kinh tế Việt Nam khi giai đoạn dân số vàng sắp trôi qua, giai đoạn lão hóa dân số đang cận kề song nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển chậm.

Đại biểu nêu thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn thấp, xếp thứ 131 trong khi dân số xếp thứ 14 trên thế giới, GDP mới dừng lại ở thứ hạng 53, kinh tế Việt Nam chưa có ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, ngay ở Đông Nam Á, GDP của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar.

“Tôi đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, song song với đó Chính phủ phải có chính sách phát triển quyết liệt hơn phát huy thế mạnh, kiên quyết bỏ sự thao túng của các lợi ích nhóm hiện nay. Chúng ta sẽ gặp phải cú sốc thời gian liên quan đến vị trí của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới trước nỗi lo Việt Nam chưa giàu mà dân số đã già”, bà Hoa Vy bày tỏ.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Hoa Vy cho biết, chú trọng đến tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đi cùng với tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, thời gian qua đã tập trung xử lý nợ xấu ở các ngân hàng yếu kém đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống. Theo đó, để xử lý, một số ngân hàng đang kinh doanh tốt được chỉ định mua lại, sát nhập lại những ngân hàng nhỏ đang khó khăn thông và giao cho các công ty mua bán nợ, tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu đó

“Vấn đề đặt ra ở đây, là ở nước ta thị trường mua bán nợ chưa hình thành, trong khi đó nợ xấu mới được khoanh vùng và chưa được xử lý có nguy cơ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong điều kiện nợ công tăng cao hiện nay, nợ xấu chiếm bao nhiêu % trong tổng dư nợ? Tháng 9/2016 NHNN báo cáo nợ xấu chiếm 2,62%, trong khi theo IMF tính đến 7/2016 là nợ xấu của Việt Nam 12,05%. Tôi đề nghị ngân hàng có báo cáo rõ hơn về vấn đề này”, bà Hoa Vy cho biết.

Đại biểu này kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn về xử lý nợ xấu khi bán cho các công ty mua bán nợ và đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phân loại các tổ chức tín dụng để tránh nguy cơ xảy ra nợ xấu mới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết ý kiến của đại biểu Hoa Vy rất đúng. Xử lý nợ xấu ở nước ta mới chỉ khoanh một số lại, chưa xử lý triệt để.

“Chúng ta mới khoanh nợ xấu lại, các doanh nghiệp có nợ xấu có thể tái cơ cấu nợ xấu để tiếp tục hoạt động. Hiện nay, nợ xấu đang chuyển cho VAMC. Trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng phải giải quyết nợ xấu, vấn đề đặt ra nếu tổ chức nào không giải quyết được nợ xấu này thì phải cho phá sản”, ông Cường khẳng định.

Ông cũng cho biết, trong thảo luận về Luật đấu giá tài sản có đưa tranh luận về các cách xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó nếu cho chuyển đổi tài sản nợ xấu thành cổ phần thì không thất thoát còn nếu đấu giá tài sản nợ xấu ra công chúng để thu hồi tiền về NSNN thì cần phải giám sát chặt chẽ và đấu giá công khai, minh bạch.

>> Tái cơ cấu kinh tế, đáng tiếc chưa có sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân

Nguồn NDH: http://ndh.vn/db-quoc-hoi-xu-ly-no-xau-moi-chi-khoanh-vung-chua-xu-ly-co-nguy-co-lam-tang-ganh-nang-ngan-sach-20161103101157734p145c151.news