DB Cooper - không tặc bí ẩn biến mất giữa bầu trời Mỹ

Bắt giữ toàn bộ hành khách và phi hành đoàn làm con tin, DB Cooper đòi số tiền chuộc 200.000 USD. Người này sau đó ôm tiền nhảy khỏi máy bay, biến mất giữa không trung.

 Hình phác họa không tặc DB Cooper. Ảnh: FBI.

Hình phác họa không tặc DB Cooper. Ảnh: FBI.

Vào đêm Lễ Tạ ơn ngày 24/11/1971, người đàn ông mang chiếc cặp táp đen đến quầy bán vé của Hãng hàng không Northwest Orient tại sân bay quốc tế Portland, thành phố Portland, Oregon, Mỹ. Anh ta dùng tiền mặt mua vé máy bay một chiều từ Portland đến Seattle, bang Washington.

Không ai ngờ hành khách khoảng ngoài 40 tuổi, tóc đen, mắt nâu, mặc vest tối màu, áo sơ mi trắng, đeo cà vạt đen, giày nâu, tên Dan Cooper (hay DB Cooper) lại là nhân vật được FBI săn lùng gần nửa thế kỷ.

Đòi 200.000 USD tiền chuộc và 4 chiếc dù

Lúc 14h50, máy bay Boeing 727 cất cánh, chở theo 36 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn. Không lâu sau Cooper đưa cho tiếp viên Florence Schaffner, người ngồi ngay hàng ghế sau, mảnh giấy và thì thầm với cô: “Thưa cô, tốt hơn là cô nên đọc. Tôi có một quả bom”.

Schaffner mở mảnh giấy, nội dung như sau: “THƯA CÔ, TÔI CÓ MỘT QUẢ BOM TRONG CẶP VÀ MUỐN CÔ NGỒI CẠNH TÔI”. Dòng chữ được viết hoa ngay ngắn bằng bút dạ. Schaffner ngồi xuống theo yêu cầu của Cooper và lặng lẽ yêu cầu được xem quả bom. Cooper mở cặp ra, nữ tiếp viên nhìn thấy 2 hàng bom, mỗi hàng 4 ống trụ đỏ, được kết nối bằng dây điện và pin lớn. Schaffner đoán đây là bom dynamite.

Cooper đóng cặp lại và nói với Schaffner những yêu cầu của mình. Cô ghi lại, vào buồng lái, thông báo cho phi hành đoàn và tổ bay. Cơ trưởng William Scott yêu cầu Schaffner ngồi lại buồng lái, ghi lại các sự kiện, đồng thời liên hệ với Bộ phận Điều hành bay Northwest ở Minnesota để thông báo vụ việc.

“Cooper yêu cầu cho 200.000 USD vào ba lô trước 17h00. Anh ấy cũng muốn 2 chiếc dù trước, 2 chiếc dù sau”, Cơ trưởng Scott chuyển tiếp yêu cầu của kẻ không tặc.

Cooper đã nhảy từ cửa thoát hiểm phía sau của máy bay Boeing 727. Ảnh: Boeing.

Tiếp viên Tina Mucklow được giao nhiệm vụ ngồi cạnh Cooper để kết nối anh ta với tổ bay. Cooper ra thêm yêu cầu: Khi hạ cánh xuống Seattle, các xe tiếp nhiên liệu phải làm việc và tất cả hành khách phải ngồi yên tại chỗ trước khi Mucklow mang tiền khoang, tiếp đó là 4 chiếc dù.

Nhận tin báo của Cơ trưởng Scott, bộ phận kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Seattle-Tacoma đã liên hệ với cảnh sát địa phương và FBI. Chủ tịch Northwest Orient Donald Nyrop ủy quyền trả tiền chuộc và ra lệnh cho tất cả nhân viên hợp tác với tên không tặc, tuân thủ yêu cầu của anh ta.

Suốt hành trình đến Seattle, Cooper yêu cầu tiếp viên Mucklow luôn ở bên mình. Anh ta tỏ ra quen thuộc với địa hình nơi đây khi nhìn ra cửa sổ và nói: “Có vẻ như Tacoma ở dưới đó”. Anh ta cũng nói chính xác việc căn cứ không quân McChord chỉ cách sân bay Seattle-Tacoma 20 phút lái xe.

“Cooper không hề lo lắng. Anh ta có vẻ khá tốt bụng và không tỏ ra khó chịu”, Mucklow nhận xét về tên không tặc. Khi hai người trò chuyện, cô hỏi Cooper lý do chọn hãng hàng không Northwest Orient để cướp. “Không phải vì tôi có ác cảm với hãng hàng không của các bạn, mà chỉ vì tôi có ác cảm”. Tuy nhiên, Cooper tỏ ra bối rối khi được hỏi đến từ đâu.

Biến mất trên không

Lúc 17h26, chiếc Boeing 727 hạ cánh xuống sân bay Seattle-Tacoma. Cooper đồng ý để cơ trưởng Scott dừng máy bay trên đường băng, cách xa nhà ga chính. Cooper yêu cầu chỉ một đại diện của hãng hàng không được tiếp cận máy bay để đưa dù và tiền. Lối ra vào duy nhất là cửa trước máy bay thông qua cầu thang di động.

Theo chỉ thị, Mucklow ra khỏi máy bay để lấy tiền chuộc. Sau đó, cô quay lại khoang hành khách cùng túi tiền và đi đến hàng ghế cuối của Cooper. Lúc này, tên không tặc mới đồng ý thả toàn bộ hành khách. Anh ta không quên kiểm tra số tiền. 10.000 tờ 20 USD hầu hết có số seri bắt đầu bằng chữ “L”, toàn bộ đã được FBI chụp lại. Cooper đã lấy tiền túi boa cho Mucklow và 2 tiếp viên khác trên chuyến bay nhưng họ từ chối, viện dẫn do chính sách của hãng bay.

Khi các hành khách rời đi an toàn, trên máy bay chỉ còn lại Cooper và 6 thành viên phi hành đoàn. Theo yêu cầu của không tặc, Mucklow 3 lần xuống máy bay để lấy dù. Một tiếp viên hỏi Cooper rằng liệu họ có thể rời đi. “Hãy làm bất cứ điều gì các cô gái muốn”, anh ta nói. Khi Mucklow mang chiếc dù cuối cùng cùng bản hướng dẫn sử dụng dù đến cho Cooper, anh ta nói mình không cần hướng dẫn.

Quá trình tiếp nhiên liệu diễn ra chậm trễ. Nhân viên Cục Hàng không Liên bang (FAA) yêu cầu gặp Cooper nhưng bị từ chối. “Quá trình này không diễn ra lâu như vậy”, Cooper dần mất kiên nhẫn.

Kẻ không tặc yêu cầu phi hành đoàn bay về phía thành phố Mexico (thủ đô Mexico) với tốc độ tối thiểu 185 km/h, ở độ cao tối đa 3.000 m. Thiết bị hạ cánh phải trong tư thế sẵn sàng, cánh phải nghiêng thấp hơn 15 độ và không điều áp cabin.

Phi hành đoàn của chiếc máy bay bị cướp kể lại vụ việc với báo chí. Ảnh: AP/BBC.

Cooper tiếp tục chỉ đạo máy bay cất cánh với cửa thoát hiểm phía sau mở và cầu thang được thả xuống. Dù hãng hàng không phản đối với lý do không an toàn, Cooper vẫn một mực yêu cầu thực hiện, chỉ đồng ý hạ cầu thang khi máy bay ở trên cao. Anh ta yêu cầu Mucklow ở lại để hỗ trợ.

Khoảng 19h40, máy bay lại cất cánh, chỉ còn Cooper, Mucklow, Cơ trưởng Scott, Phó cơ trưởng Rataczak và kỹ sư hàng không Harold E. Anderson trên máy bay. Nhà chức trách huy động 2 tiêm kích F-106 từ căn cứ không quân Mc Chord và máy bay huấn luyện Lockheed T-33 bám theo chiếc Boeing 727. Cả 3 máy bay duy trì bay theo hình chữ “S” phía sau và ngoài tầm nhìn của Cooper.

Sau khi máy bay cất cánh, Cooper yêu cầu Mucklow hạ cầu thang phía sau xuống. Sợ cô bị hút khỏi máy bay, tổ bay đề nghị Mucklow lên buồng lái, lấy dây khẩn cấp buộc vào người và ghế. Cooper không đồng ý, nói rằng anh ta sẽ tự hạ cầu thang xuống và yêu cầu Mucklow đi đến buồng lái, đóng vách ngăn lại.

“Làm ơn, làm ơn mang theo quả bom”, Mucklow cầu xin Cooper trước khi rời đi. Cooper nói anh ta sẽ vô hiệu hóa quả bom hoặc mang nó theo. Khi đang đóng vách ngăn lại, Mucklow nhìn thấy Cooper đứng trước cánh cửa, dường như buộc túi tiền quanh người. Mucklow là người cuối cùng nhìn thấy tên không tặc.

Khoảng 20h, đèn cảnh báo trong buồng lái nhấp nháy, báo hiệu cầu thang phía sau đã được kích hoạt. Ba phút sau, tai của các thành viên tổ bay cảm thấy áp suất không khí giảm rõ rệt do cửa đang mở. Đuôi máy bay chổng lên trên, tổ bay phải điều chỉnh về trạng thái cân bằng.

Cầu thang cũng đã được hạ xuống. Tổ bay vẫn ở trong buồng lái, không ai rõ Cooper còn ở trên máy bay không. Mucklow sử dụng hệ thống liên lạc để thông báo với Cooper máy bay đang đến gần Reno và anh ta cần nâng cầu thang lên để máy bay có thể hạ cánh. Nhưng tổ bay không nhận được câu trả lời.

Khoảng 23h02, chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Reno-Tahoe, thành phố Reno, bang Nevada, Mỹ. Các đặc vụ FBI, binh sĩ, cảnh sát đã thiết lập vòng vây quanh chiếc máy bay. Họ lo sợ tên không tặc và quả bom còn trên máy bay nên không dám tiếp cận. Cơ trưởng Scott trực tiếp khám xét cabin, xác nhận Cooper không còn trên máy bay. 30 phút sau, đội phá bom của FBI tuyên bố máy bay an toàn.

FBI bỏ cuộc

FBI thu được 66 dấu vân tay, cà vạt đen, kẹp cà vạt của Cooper và 2 trong 4 chiếc dù, một trong số đó đã được mở ra. Họ phỏng vấn các nhân chứng ở Portland, Seattle và Reno để phác họa chân dung kẻ không tặc. Nhà chức trách nhanh chóng thẩm vấn các nghi phạm tiềm năng. Họ nghi ngờ Cooper không phải tên thật của không tặc. Họ cũng nghi ngờ Cooper không sống sót sau cú nhảy.

Việc xác định vị trí hạ cánh của Cooper không đơn giản. Các biến số phụ thuộc vào vận tốc bay, điều kiện môi trường, thời tiết dọc theo đường bay và thay đổi theo vị trí và độ cao của máy bay. Chỉ mỗi Cooper biết anh ta đã bay tự do bao lâu trước khi mở dù.

Số tiền cháy sém trùng với số seri giao cho Cooper được tìm thấy năm 1980. Ảnh: FBI.

Các phi công của F-106 không nhìn thấy bất cứ ai nhảy từ máy bay, radar của họ cũng không phát hiện chiếc dù nào đã mở. Hơn nữa, việc phát hiện một cá nhân mặc đồ đen nhảy vào bầu trời đêm là rất khó. Phi công của Lockheed T-33 cũng không phát hiện điều gì.

Nhiều thử nghiệm được thực hiện để xác định vị trí của Cooper như đẩy chiếc xe trượt tuyết nặng 91 kg khỏi cửa máy bay mở trong điều kiện tương tự. Nhiều suy đoán được đưa ra như rơi xuống ở núi St. Helens, Ariel (Washington), hồ Merwin, thị trấn La Center... Các nỗ lực tìm kiếm được thực hiện trên các khu vực rộng lớn có nhiều cây cối rậm rạp song không mang lại kết quả. Cả Cooper và vật dụng của anh ta đều “bốc hơi”.

Từ năm 1971 đến năm 2016, FBI đã tìm thấy hơn 1.000 nghi phạm tiềm năng, nhưng không thể đưa ra kết luận cuối cùng. Ngày 8/7/2016, FBI thông báo kết thúc cuộc điều tra sau 45 năm. Đến nay, đây vẫn là vụ cướp hàng không duy nhất chưa được giải quyết trong lịch sử hàng không thương mại Mỹ. Số phận của Cooper vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của nước Mỹ và thế giới.

Hồng Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/db-cooper-khong-tac-bi-an-bien-mat-giua-bau-troi-my-post1372877.html