Dạy xác suất và thống kê cho học sinh: Thể hiện sự tiến bộ của CTGDPT mới

Trước những băn khoăn về độ khó nội dung xác suất và thống kê đưa vào môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới từ lớp 2 của phụ huynh, PGS.TS Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Giáo dục Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam khẳng định với Báo GD&TĐ: 'Dạy học xác suất và thống kê thể hiện sự tiến bộ trong Toán học và xu thế kiến thức nhà trường gắn với ứng dụng thực tiễn'.

PGS.TS Trần Kiều.

PGS.TS Trần Kiều.

Muộn và “rón rén”

- Không ít phụ huynh học sinh lo lắng khi xác suất và thống kê triển khai trong CTGDPT mới và dạy cho HS từ lớp 2 sẽ gây khó khăn cho HS. Ông có thể nói gì về điều này?

- Trên thế giới cách đây vài thập kỷ, những người làm chương trình Toán học cho trường phổ thông đã nghĩ đến chuyện làm sao để mạch ứng dụng Toán học trở nên chắc chắn, sâu sắc và quán triệt suốt chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, trong đó có Nhật Bản cũng đưa xác suất và thống kê vào dạy học từ 40 năm trước, từ lớp 1 đến 12.

Thời điểm này, việc Việt Nam tiến hành đưa xác suất và thống kê vào dạy xuyên suốt từ lớp 2 – 12 là không có gì mới, nếu không nói là muộn và “rón rén” so với các nước.

Việc đưa xác suất và thống kêvào dạy học từ lớp 2 được xem như một biểu hiện tiến bộ, phản ánh một xu thế không thể đảo ngược của chương trình Toán GDPT mới đó là kiến thức nhà trường gần hơn với ứng dụng thực tiễn.

Dư luận xôn xao trước thông tin này bởi bản thân họ thấy khái niệm xác suất và thống kê mới, thậm chí nhiều người chưa được học. Từ đó cho rằng, trẻ con học xác suất và thống kê sẽ khó. Tuy nhiên, khó ở đây là do bởi bản thân họ nghĩ khó chứ không hề xuất phát từ thực tế việc học xác suất và thống kê.

Quan trọng nhất vẫn là cách đưa xác suất và thống kê vào chương trình ra sao cho phù hợp với tiếp nhận của HS.

- Việc dạy học xác suất và thống kê tại Việt Nam đã diễn ra sao trong quá khứ và đến hiện tại, thưa ông?

- Tại Việt Nam, chương trình cải cách giáo dục lần thứ 3 triển khai năm 1981 đã bắt đầu để ý đến vấn đề này. Nhưng vẫn làm “rón rén” vì sợ chưa quen, thiếu kinh nghiệm. Mặt khác do GV chưa đáp ứng tốt việc dạy học xác suất và thống kê (thời điểm đó chỉ SV một số trường ĐH sư phạm học chứ không phải tất cả SV các trường đều học. Việc triển khai cũng mới ở mức độ nhẹ nhàng đơn giản). Vì không có thầy dạy nên việc triển khai dạy học xác suất và thống kê chỉ mang tính chất “gắn vào đâu đó”.

Đến CTGDPT hiện hành, người ta đã bắt đầu đưa các yếu tố thống kê vào chương trình tiểu học nhưng dưới dạng ẩn chứ không tường minh. Đến bậc THCS đưa chính thức thống kê vào lớp 7. Bậc THPT thống kê đưa vào lớp 10 và xác suất lớp 11. Dù đã đưa xác suất thống kê vào chương trình phổ thông nhưng có thể thấy không liên tục, liền mạch.

Lần này việc đưa xác suất và thống kê vào CTGDPT mới sẽ khác hơn ở chỗ được đưa một mạch từ lớp 2 đến 12 và với một chương trình ấn định rất rõ học cái gì? Yêu cầu HS cần làm gì? Ứng với mỗi lớp sẽ có nội dung phù hợp với trình độ HS.

Cụ thể, ở lớp 2 nội dung thống kê chỉ yêu cầu HS viết ra một dãy số và nhận xét dãy số. GV có thể hỏi HS phát hiện ra trong dãy số đó có gì đặc biệt? Thông qua biểu đồ nhiệt kế bệnh nhân, nhiệt kế thời tiết… yêu cầu HS rút ra nhận xét. Hoặc yêu cầu HS thống kê lại bài kiểm tra Toán của các bạn trong tổ. Yêu cầu HS thu thập tất cả điểm số để ghi vào một bảng. Sau đó, HS nhận xét bạn nào điểm cao nhất, bạn nào thấp nhất, điểm nào có nhiều bạn đạt được nhiều nhất.

Với nội dung xác suất, ở lớp 2 chỉ yêu cầu HS làm quen dần với các thuật ngữ: Có thể, chắc chắn, có khả năng (ít)… Hoặc đưa ra một số phỏng đoán như: Có thể hôm nay trời mưa. Đó là phỏng đoán có tính xác suất, có khả năng xảy ra và cũng có khả năng không xảy ra. Những điều đó đơn giản với HS lớp 2. Lên lớp 3 phức tạp hơn một chút. Và đến lớp 5 mức độ phức tạp tăng dần so với lớp 2, 3, 4.

Vì xác suất và thống kê được đưa vào Toán tiểu học ở mức độ đơn giản và tăng dần nên HS hoàn toàn có thể hiểu. Vì vậy, các bậc PHHS không cần phải lo lắng khi cho rằng đưa xác suất và thống kê vào dạy học từ lớp 2 là sớm và khó.

Đội ngũ GV đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học Toán. Ảnh: T.G

Cần thiết cho cuộc sống

- Nội dung xác suất và thống kê cần thiết ra sao trong CTGDPT mới?

- Toán học có nguồn gốc từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn. Toán học xác suất và thông kê được ứng dụng vào nhiều vấn đề của con người trong cuộc sống. Vì vậy, Toán học nhà trường sẽ giúp HS thấy được nguồn gốc thực tiễn và sự quan trọng của nó trong nhiều ứng dụng. HS sẽ biết áp dụng xác suất và thống kê trong cuộc sống, vào các vấn đề phù hợp với trình độ của mình.

Các nước đều làm như vậy trong nhiều thập kỷ nay. Thống kê và xác suất trở thành mạch chủ yếu của chương trình Toán phổ thông. Ở Việt Nam, chọn xác suất và thống kê ngoài lý do nêu trên (có nhiều ứng dụng trong cuộc sống) thì nó còn đáp ứng yêu cầu cải tiến và làm tốt hơn cho chương trình Toán, làm cho mạch ứng dụng Toán học sâu sắc, đậm nét.

- Theo ông, khi đưa nội dung xác suất và thống kê vào dạy học liền mạch từ lớp 2 đến lớp 12, vấn đề cần quan tâm là người học hay người dạy?

- Dạy và học xác suất và thống kê hiệu quả hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV giảng dạy. Trên thực tế, một số GV đã được đào tạo, còn một số chưa được tiếp cận. Mặt khác, từ việc học đến việc dạy học cũng không dễ. Vì vậy, phải có quá trình huấn luyện, tập huấn cho GV thật tốt.

Nhưng tôi tin việc tập huấn cho GV sẽ diễn ra đảm bảo chất lượng bởi bộ phận GV chưa tiếp xúc với xác suất và thống kê không nhiều và hoàn toàn có thể huấn luyện được trong một khoảng thời gian ngắn. Cùng đó, nội dung này cũng không có gì quá khó, không rắc rối về thuật ngữ, ý tưởng khoa học… mà nó gần và gắn với thực tế cuộc sống.

Điều đáng nói là GV cũng cần có ý thức trước vấn đề mới, cần tăng cường tự học, tự mày mò với vấn đề mới. Nếu chỉ trông chờ vào tập huấn cũng chưa thể đạt hiệu quả cao nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Dạy học xác suất và thống kê hoàn toàn không khó. Mà quan trọng ở chỗ đưa nó ở mức độ nào, cấp độ nào cho phù hợp với HS từng khối, lớp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-xac-suat-va-thong-ke-cho-hoc-sinh-the-hien-su-tien-bo-cua-ctgdpt-moi-4050513-b.html