Dạy vẽ theo phong cách truyện tranh Nhật

Sau khi học vẽ mangaanime, các học viên nhí sẽ nâng cao sự sáng tạo và vẽ đẹp hơn. Bởi vậy, nhiều bậc phụ huynh ở Huế đã cho con cháu tham gia lớp học bổ ích và thú vị này.

Sau khi học vẽ mangaanime, các học viên nhí sẽ nâng cao sự sáng tạo và vẽ đẹp hơn. Bởi vậy, nhiều bậc phụ huynh ở Huế đã cho con cháu tham gia lớp học bổ ích và thú vị này.

Thỏa thích sáng tạo.

Thỏa thích sáng tạo.

Lớp học vẽ mangaanime đầu tiên của Huế

Manga - anime là thể loại truyện tranh và phim hoạt hình theo phong cách Nhật Bản. Phong cách này chú trọng sự sáng tạo, mới lạ trong loại hình nhân vật và cốt truyện. Trên thực tế, những bộ truyện tranh và phim hoạt hình theo phong cách này như "Đôrêmon", "Bảy viên ngọc rồng", "Thám tử lừng danh Conan", "Nhóc Marưcô"... đã làm say mê nhiều thế hệ trẻ thơ trên thế giới. Ở Việt Nam, bộ truyện tranh được độc giả yêu thích như "Thần đồng Đất Việt" của họa sĩ Lê Linh ít nhiều cũng ảnh hưởng của mangaanime. Bên cạnh đó, Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam có trụ sở tại TPHCM hiện cũng đang tuyển sinh trong toàn quốc lớp dạy vẽ truyện tranh để đào tạo những tác giả truyện tranh chuyên nghiệp. Ngoài học sinh THPT, sinh viên và những người đã đi làm, các độ tuổi nhỏ hơn cũng là đối tượng được Viện Truyện tranh và Phim hoạt hình hướng đến.

Bởi thế, có thể nói việc "ươm mầm" kỹ năng vẽ truyện tranh cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng cũng quan trọng không kém các lứa tuổi khác. Tuy nhiên, ở Huế hiện các lớp dạy vẽ cho các bé chỉ dạy vẽ tổng hợp theo phong cách truyền thống như vẽ phong cảnh, vẽ tĩnh vật... chứ chưa hướng đến sự sáng tạo, mới lạ trong loại hình nhân vật và cốt truyện như manga-anime... Nắm bắt nhu cầu, từ năm 2018, Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân (TP Huế) đã có lớp dạy vẽ manga- anime. Trên thực tế, nếu muốn các học viên nhí thỏa sức sáng tạo và có "hoa tay" như các mangaka (họa sĩ vẽ truyện tranh theo phong cách Nhật Bản) thì việc đào tạo kỹ năng vẽ cần được bài bản. Cô Trần Thủy Tiên (1989), quản lý Trung tâm, chia sẻ: "Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân có 6 giáo viên đều trưởng thành từ Trường Đại học Nghệ thuật- Đại học Huế. Hiện trung tâm là nơi duy nhất ở Huế có lớp dạy vẽ manga- anime. Đây là lớp học đặc biệt thú vị vì các bé có thể sáng tạo nhân vật do mình tưởng tượng ra. Bên cạnh đó, các bé còn có thể vẽ nên những câu chuyện. Hơn hết là, qua mỗi trang truyện các cô giáo và phụ huynh có thể biết được sâu trong tâm hồn các bé đang nghĩ điều gì".

Cô trò cùng vẽ.

Nâng cánh cho các "mangaka" tương lai

Nói về nguyên nhân thúc đẩy việc mở lớp dạy vẽ manga- anime, cô Trần Thủy Tiên cho hay: "Công việc chính là một giáo viên mỹ thuật của một trường tiểu học của TP Huế nhưng mình luôn là người yêu thích tìm tòi những điều mới mẻ. Khi nắm bắt được thể loại manga- anime đang rất thịnh hành và ẩn chứa nhiều điều rất thú vị, mình đã quyết tâm mở lớp dạy vẽ thể loại này".

Hiện tại, Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân dạy một tuần hai buổi lớp manga-anime với số lượng gần 10 học viên. Bên cạnh sự tận tâm của các cô giáo, các bé cũng có sự cố gắng hơn so với thông thường. "Lớp manga-anime mình dạy là bộ môn thể hiện nhiều sự sáng tạo, tư duy nhưng cũng khá khó. Đối với mấy bạn nhỏ thì phải cần có kiên nhẫn và đam mê mới học được", cô Lê Thị Duyên (1996), một giáo viên của lớp học vẽ chia sẻ. "Khi dạy vẽ môn này nó hoàn toàn khác với các thể loại vẽ khác. Ngoài các bài học trên lớp, các bé phải chủ động tự vẽ ở nhà và gửi cho cô giáo dạy vẽ nhận xét để tiến bộ hơn", cô Tiên chia sẻ thêm.

Có một số khó khăn cho các học viên nhỏ tuổi là vì đây là lớp nâng cao nên các bé phải có cơ bản về hội họa thì mới học được. Thường thì các bé phải 8 tuổi trở lên thì mới có thể tham gia lớp. "Lớp này học cần căn tỷ lệ, màu sắc rất nhiều chất liệu và phải theo từ cơ bản đến nâng cao dần. Các bé thường khó khăn trong việc đo đạc sao cho chính xác các tỷ lệ của cơ thể người", cô Tiên giải thích.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cô trò, thành quả đạt được đã như mong đợi. Nhìn vào những bức tranh vẽ manga-anime của các bé tại Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân, chúng tôi nhận thấy cả một trời tuổi thơ đang được thu nhỏ lại. Tuy mới là "họa sĩ nhí" nhưng ý tưởng và chất lượng các bức vẽ rất đáng được khích lệ. Điều tuyệt vời nhất là các bé đã tự mình vẽ ra các bức manga-anime hấp dẫn với nhân vật không thể dễ thương, hồn nhiên, nhí nhảnh hơn.

Bé Phạm Ngọc Khánh Ngân (2004), đến từ H. Phú Vang hồ hởi kể: "Lúc đầu cháu vẽ không đẹp cho lắm. Nhưng nhờ sự tận tình của các cô tại lớp học, nét vẽ của cháu được cải thiện nhiều hơn. Cháu thấy học lớp manga-anime này rất thú vị nên cháu luôn mong thời gian trôi nhanh đến cuối tuần để được học lớp học vẽ".

Trong tình hình dịch Covid -19, Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân đã sớm cho các học viên nghỉ học từ ngày 4-2. Tuy nhiên, khi hoàn toàn hết dịch, trung tâm Mỹ thuật Gia Hân dự định sẽ tổ chức một số hoạt động dành cho các học viên nhí yêu thích manga-anime và một cuộc thi vẽ cho các bé yêu thích thể loại thú vị này.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_224014_day-ve-theo-phong-cach-truyen-tranh-nhat.aspx