Dạy văn hóa trong trường nghề: Cần đảm bảo quyền lợi cho người học

'Trong cùng một khoảng thời gian, chẳng hạn là 3 năm vừa muốn các em học sinh hoàn thành việc học văn hóa với khối lượng kiến thức như giảng dạy trong trường THPT, vừa hoàn thành chương trình học nghề thì có quá sức?'.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT đặt vấn đề về việc dạy văn hóa trong trường nghề.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sau đây sẽ thay thế cho Thông tư 16/2010TT-BGDĐT đang được các cơ sở GDNN áp dụng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay nhiều trường cao đẳng (CĐ) đang đào tạo hệ 9+ và muốn mở rộng mô hình này trong những năm tới. TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ Cơ Điện Hà Nội cho biết năm 2020, trường tuyển 140 học sinh hệ 9+. Dự kiến năm 2021, trường sẽ nâng chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS lên khoảng 400 em.

Hiện đơn vị này đang liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Ba Vì để dạy học sinh theo mô hình 9+. Các em vừa học văn hóa vừa học nghề. Các giáo viên dạy văn hóa là của trung tâm GDTX. Sau khi hoàn thành chương trình này, các em có quyền tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định mới, trường muốn tổ chức cho người học học chương trình GDTX cấp THPT phải liên kết, phối hợp với trung tâm GDTX. Tức là giảng viên của trung tâm GDTX vẫn dạy hợp đồng các môn văn hóa nhưng dưới sự quản lý, kiểm soát của trung tâm.

Ông Ngọc cho rằng, khi các trường cần đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quản trị được chất lượng đầu ra theo quy định, Bộ GDĐT nên tạo cơ chế, trao quyền cho các trường nghề được dạy văn hóa cho học sinh theo mô hình 9+.

Lý giải của ông Ngọc là với đối tượng học sinh này, nếu các em xác định học các môn kỹ thuật thì nhà trường sẽ tăng cường các môn văn hóa gắn liền với nghề nghiệp như Toán, Lý. Các môn khác chỉ cần học vừa đủ để thi tốt nghiệp THPT.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT đặt câu hỏi: trong cùng một khoảng thời gian, chẳng hạn là 3 năm vừa muốn các em hoàn thành việc học văn hóa với khối lượng kiến thức như giảng dạy trong trường THPT, vừa hoàn thành chương trình học nghề thì có quá sức?

Còn nếu cắt xén, tinh giản chương trình để đáp ứng yêu cầu về thời gian thì như vậy, rõ ràng sẽ không thể đảm bảo yêu cầu về chất và cả lượng so với yêu cầu đặt ra đối với một học sinh tốt nghiệp THPT.

Ủng hộ quyết định của Bộ GDĐT về việc không cho phép cơ sở GDNN được tuyển sinh vào lớp 10 GDTX hệ THPT, TS Khuyến cho biết: Nhìn ra thế giới, các nước mở hệ trung học nghề - không phải trung cấp nghề. Hệ trung học nghề thời gian đào tạo là 3 năm, có học các môn văn hóa chính ở THPT như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ… còn những môn khác thì tùy từng nghề nghiệp họ chọn học môn phù hợp cùng với dạy các môn nghề để thành một nghề nghiệp. Kinh nghiệm của thế giới là 50-50. Người có bằng trung học nghề có đủ tư cách để học tiếp lên trình độ cao hơn vẫn trong hệ thống GDNN. Trong đó, có các trường ĐH theo hướng ứng dụng cũng vẫn có thể học tiếp lên được.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết đối với lực lượng học sinh không có định hướng chọn THPT mà đi theo hướng GDNN sau THCS thì học ở các cơ sở GDNN, các trường trung cấp nghề. Những năm vừa qua, nội dung giáo dục phổ thông vẫn đang thực hiện trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp với các modul về khối lượng kiến thức văn hóa cho học sinh theo Thông tư 16/2010TT-BGDĐT. Hiện Bộ GDĐT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học theo chương trình trung cấp trong cơ sở GDNN. Dự kiến trong tháng 4 sẽ đăng tải dự thảo này để lấy ý kiến góp ý trước khi chính thức ban hành.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-van-hoa-trong-truong-nghe-can-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-hoc-557053.html