Dạy và học trực tuyến: Nhiều băn khoăn

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và năm học mới 2020-2021 đã cận kề, Dự thảo thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên càng trở nên quan trọng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Băn khoăn về đánh giá học sinh

Chị Lê Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, con nhà chị năm nay học lớp 12. Thông thường các năm học trước, nhà trường sẽ tựu trường từ đầu tháng 8 và bắt đầu việc học kiến thức mới luôn để có thời gian cuối năm ôn tập nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi vượt vũ môn quan trọng. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của nhà trường, lịch tựu trường ngày 17/8 đã bị hoãn và đang chờ thông báo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội.

“Nếu việc học trực tiếp ngay sau khai giảng không diễn ra thì chúng tôi cũng mong muốn nhà trường sắp xếp triển khai dạy học trực tuyến, không để lỡ làng thời gian học tập của các con vì đây là năm cuối cấp, quyết định cả hành trình 12 năm của con”, chị Lê Minh đề xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế dự thảo quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, hiểu cơ bản là dạy một phần hay toàn phần kiến thức với hình thức này. Vậy, việc công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp nhưng điều này chưa thể đảm bảo công bằng vì khi học - thi online, cũng có trường hợp thi hộ, kiểm tra hộ…

Đại diện nhiều trường phổ thông cũng bày tỏ băn khoăn về việc Bộ GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể về các phương pháp kiểm tra - đánh giá học sinh khi dạy học trực tuyến. Bởi như học kỳ 2 của năm học trước, các trường có triển khai dạy trực tuyến nhưng chỉ xét và lấy điểm kiểm tra thường xuyên, còn đợt kiểm tra định kỳ thì vẫn phải thực hiện trực tiếp. Năm nay, nếu điều kiện không cho phép kiểm tra hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến vì dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, học sinh vẫn học trực tuyến thì việc đánh giá định kỳ bắt buộc sẽ phải làm sao? Vì theo quy định của dự thảo, đánh giá định kỳ buộc phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp và tập trung tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Lo phương tiện khó đảm bảo

Đánh giá cao những vấn đề của Dự thảo đề cập là cấp thiết trong tình hình hiện nay, song thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng dự thảo chưa đề cập đến phương tiện học tập cụ thể của học sinh. Thực tế triển khai từ năm học trước cho thấy, không phải gia đình nào cũng có đầy đủ phương tiện học tập như điện thoại thông minh, máy vi tính… có kết nối internet. Như vậy, thầy cô rất khó triển khai đồng đều việc học trực tuyến trong cả lớp. Đó là chưa kể, với học sinh vùng sâu vùng xa thì việc học trực tuyến chắc chắn là một thách thức không dễ khắc phục với cả thầy và trò.

“Khi đó, việc công nhận kết quả học tập của học sinh sẽ bị ảnh hưởng. Đối với học sinh cuối cấp, điều này rất quan trọng, không rõ Bộ tính toán ra sao”, thầy Tùng Lâm băn khoăn.

Liên quan đến vấn đề này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GDĐT cho biết, dự thảo nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các trường chuẩn bị sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến trong tình thế cần thiết bên cạnh các hình thức dạy học đa dạng khác.

“Dựa trên yêu cầu giáo dục cụ thể và kế hoạch dạy học - trong đó có dạy học trực tuyến - các trường phải chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm dạy học phù hợp, tập huấn cho giáo viên, cho học sinh sử dụng phần mềm dạy học. Quan điểm của Bộ GDĐT là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn bị các điều kiện áp dụng dạy học trực tuyến là nhiệm vụ thường xuyên của năm học, bắt buộc các cơ sở giáo dục chú ý thực hiện từ năm học tới”, TS Thái Văn Tài nói.

Với riêng các vùng khó khăn, TS Thái Văn Tài cho rằng sẽ chuẩn bị dần dần, thực hiện ở mức độ phù hợp với thực tế.

Liên quan đến việc thu học phí dạy học trực tuyến, TS Thái Văn Tài khẳng định: Khi thông tư được ban hành, các trường phải xây dựng kế hoạch, công bố mỗi năm học để phụ huynh, học sinh nắm được. Trường hợp đảm bảo các điều kiện, có đầy đủ minh chứng đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến theo chương trình chính khóa thì các trường thực hiện thu học phí như dạy học trực tiếp và theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, Bộ GDĐT đang thực hiện việc tinh giản chương trình dạy học và sắp tới sẽ ban hành. Theo đó, tinh giản không phải là rút ngắn thời gian học làm mục tiêu quan trọng nhất như giai đoạn 1 mà giờ đây, tinh giản nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình, theo đó, chỉ giảm những nội dung mang tính nguyên liệu nhưng vẫn giữ yêu cầu cần đạt của chương trình.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-va-hoc-truc-tuyen-nhieu-ban-khoan-504716.html