Dạy và học tiếng Anh: Cần tránh gò bó, ép buộc

Gần 80% thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018 môn tiếng Anh chỉ đạt điểm dưới trung bình, nhiều người không khỏi băn khoăn với chất lượng dạy học bộ môn này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, vấn đề then chốt nằm ở chính nếp nghĩ, cách tư duy về học tiếng Anh của người Việt. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).

Ông Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Duy Văn

Phóng viên (PV): Ông có nhận xét gì khi kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 môn tiếng Anh của học sinh khá thấp?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Kết quả thi chưa tốt của học sinh không phải mới xảy ra năm nay. Trong hai năm 2016, 2017, các em thí sinh thi môn tiếng Anh không đạt yêu cầu cũng chiếm số lượng lớn. Đó cũng là vấn đề đáng báo động về chất lượng dạy học tiếng Anh hiện nay.

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân căn bản dẫn đến kết quả dạy học môn tiếng Anh còn thấp?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nhìn tổng thể từ các góc độ thì có rất nhiều nguyên nhân, như cách thức tổ chức dạy học, chương trình, người thầy, học trò... Thực tế, mọi vấn đề không phụ thuộc ở hành động mà phụ thuộc vào yếu tố văn hóa, nếp nghĩ. Nhiều người Việt hiện nay muốn con em phải học tiếng Anh từ sớm, 3 tuổi đã cho con học. Quan niệm phải học thật sớm mới thành công, đặc biệt với môn tiếng Anh là không đúng. Chúng ta có thể thấy, các cháu học sinh vừa hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2018 đều được học tiếng Anh ít nhất là 10 đến 12 năm. Thậm chí có em còn được học sớm hơn, vậy mà kết quả vẫn không cao. Cho nên không phải cứ ép con học sớm là tốt. Chúng ta phải sửa ngay từ nếp nghĩ đó chứ không phải đơn giản chỉ là hành động. Thứ nữa, là việc học thêm tiếng Anh. Bản chất hoạt động này không phải xấu, thậm chí nó giúp tăng cường trách nhiệm của các thầy cô và học sinh. Nhưng khi mục đích bị bóp méo thì lại trở thành xấu. Sức ép từ học thêm bằng nhiều hình thức tạo nên áp lực, đôi khi vượt quá năng lực tiếp thu của trẻ khiến các em học tiếng Anh bằng sự gượng ép, bắt buộc nên kết quả không như mong muốn.

PV: Giáo trình của môn học tiếng Anh và việc phân phối kiến thức hiện nay theo ông có nặng không và đã đảm bảo yêu cầu dạy học hay chưa?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Hiện nay, giáo trình, chương trình dạy học môn tiếng Anh đều hợp lý. Các thầy cô soạn thảo giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều là những người được đào tạo bài bản, có trình độ, có kinh nghiệm trong dạy học tiếng Anh. Giáo trình biên soạn đã đúng với mục tiêu chương trình của Bộ GD&ĐT đề ra. Kết thúc thí điểm giáo trình mới cũng đã cho thấy chất lượng tốt. Ngoài ra, để bảo đảm cách sử dụng ngôn ngữ chuẩn, chúng ta đã khắc phục bằng cách kết hợp với nhà xuất bản nước ngoài chuyên biên soạn giáo trình cho thế giới để có bổ sung, sửa đổi, nâng cao chất lượng. Vì thế có thể khẳng định, chương trình học, giáo trình môn tiếng Anh của chúng ta là khá tốt. Vấn đề còn lại là ở chỗ giáo viên thực hiện chương trình tổ chức dạy học, sử dụng chương trình đó như thế nào.

Một tiết học tiếng Anh của thầy và trò Trường Tiểu học và THCS số 2 Tả Phời, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

PV: Nhiều người cho rằng, chất lượng đội ngũ giáo viên quyết định việc dạy học tiếng Anh hiện nay, ông đánh giá điều này như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay chưa đáp ứng đủ về số lượng và một số nơi còn chưa đáp ứng được chất lượng dạy học, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có một thực tế là ở nhiều nơi, khi giáo trình mới đưa ra, giáo viên gặp khó khăn khi tiếp cận. Vì vậy, việc nâng cao trình độ giáo viên cũng là vấn đề lớn. Điều này sẽ quyết định đến chất lượng dạy học trong nhà trường.

PV: Là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh, ông có kiến nghị gì để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Để nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh, chúng ta cần nhằm vào những vấn đề khó để xử lý. Đầu tiên, phải giảm sức ép học tập đối với học sinh. Chúng ta phải cấm việc dạy thêm, học thêm, hoặc có giải pháp quản lý thật chặt chẽ. Hiện nay, nhiều trường tổ chức mời trung tâm bên ngoài vào dạy bổ trợ môn tiếng Anh. Chúng ta cần phải kiểm soát cả thời gian, nội dung chương trình và người thầy sao cho đúng với chức năng bổ trợ của hoạt động này. Việc bổ trợ nên tập trung vào kỹ năng mà học sinh cần và thường gặp khó khăn, như nghe, nói. Cần phải có mục tiêu, chương trình và giáo trình riêng biệt trong phạm vi thời lượng eo hẹp dành cho hoạt động này. Nếu không kiểm soát tốt sẽ một lần nữa tạo thêm sức ép cho học sinh và tâm lý lo lắng cho phụ huynh. Bên cạnh đó, cần giảm tải bài tập trên lớp và bài tập về nhà để học sinh có thời gian thẩm thấu, tăng cường tính tự chủ, tự học. Nếu chúng ta giao bài tập nặng quá, học sinh sẽ làm mang tính đối phó, giáo viên cũng dạy "lướt ván" để hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy rõ ràng lại tạo thêm áp lực thì chất lượng sẽ giảm đi.

Về phía người học, cần giảm tham vọng thực hiện quá nhiều mục tiêu cùng một lúc: Luyện thi tốt nghiệp phổ thông, luyện thi vào đại học, luyện thi IELTS/TOEFL để đi du học, luyện thi đạt giải cao, học với giáo viên nước ngoài để năng cao khả năng phát âm như người bản ngữ... Nhiều mục đích lớn lại được thực hiện trong thời gian eo hẹp, điều đó cũng tạo nên áp lực không tốt cho chất lượng học tiếng Anh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DUY VĂN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/day-va-hoc-tieng-anh-can-tranh-go-bo-ep-buoc-547288