Dạy và học gắn với thực tiễn

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều đổi mới. Đề thi mở giúp học sinh phát triển tư duy toàn diện.

Tuy nhiên, không ít thí sinh bị điểm 0 khiến câu chuyện về nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo còn nhiều nỗi lo...

Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh đối với môn Ngữ văn có hơn 74.800 bài thi trên điểm 5 (chiếm tỷ lệ 86,31%), điểm từ 8 trở lên có hơn 6.000 bài (chiếm tỷ lệ 6,93%). Điểm cao nhất của môn Ngữ văn là 9,5 điểm. Ở môn Toán, có hơn 42.100 bài thi đạt từ điểm 5 trở lên (chiếm tỷ lệ 48,54%), có hơn 8.500 bài đạt từ điểm 8 trở lên (chiếm tỷ lệ 9,9%) và có 808 bài thi đạt điểm 10. Đối với môn tiếng Anh, có hơn 43.900 bài thi đạt từ điểm 5 trở lên (chiếm tỷ lệ 50,9%), hơn 9.800 bài từ điểm 8 trở lên (chiếm tỷ lệ 11,4%). Tuy nhiên, môn Văn có 9 bài điểm 0, môn tiếng Anh có 4 bài điểm 0 và môn Toán có 256 bài điểm 0.

Các thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố: Phổ điểm năm nay không có sự đột biến theo kiểu quá thấp hay quá cao so với các năm, vẫn đáp ứng tốt sự phân loại thí sinh phục vụ cho các trường tuyển sinh. Tuy vậy, môn Toán có nhiều bài điểm 0 là điều rất đáng buồn. Đề Toán không ra theo hướng truyền thống, không đặt nặng tính hàn lâm mà thiên về các dữ kiện thực tế để yêu cầu học sinh tính toán. Cách ra đề này không quá bất ngờ với học sinh vì ngành GD-ĐT thành phố đã hướng dẫn đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tăng tính thực tiễn vài năm gần đây. Đề thi không đơn thuần kiểm tra kiến thức sách giáo khoa mà học sinh cần có kỹ năng đọc và hiểu, biết xác định vấn đề trọng tâm để tập trung giải quyết yêu cầu bài toán. “Với môn Toán, điểm giỏi nhiều hơn năm trước nhưng điểm 0 cũng nhiều hơn. Trường hợp bị điểm 0, khả năng học sinh không chịu làm bài vì nếu làm bài, giải quyết những bài toán cơ bản là đã có điểm”, ông Hiếu nhận định.

Lý giải thêm điều này, nhiều giáo viên cho biết, có thể do đề thi môn Toán đưa nhiều bài toán thực tế vào đề thi khiến thí sinh mất thời gian cho việc đọc đề. Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống trường Việt Mỹ (VAschools), cho rằng: "Có thể giáo viên trong quá trình dạy học, ôn tập đã không tham khảo kỹ đề minh họa mà Sở GD-ĐT thành phố đã đưa ra từ đầu năm học. Học sinh còn nặng thói quen “học tủ” nên khi đề ra dạng ứng dụng thực tế thì bị động, không có khả năng đọc, hiểu và phân tích được đề".

Các thí sinh thảo luận bài làm sau giờ thi lớp 10.

Dự kiến, ngày 10-7, các trường THPT trên địa bàn thành phố sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển. Năm học 2018-2019, toàn thành phố chỉ tuyển khoảng 67.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, trong khi số lượng học sinh đăng ký thi tuyển là gần 87.000 em. Số học sinh không trúng tuyển sẽ phải chọn hướng học mới ở các trường ngoài công lập, trường quốc tế, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề.

Hơn 10 năm trước, Sở GD-ĐT thành phố đã phát động, khuyến khích, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về dạy học theo dự án, về phương pháp dạy học tích cực, vận dụng kiến thức vào thực tiễn... Ba năm gần đây, sở dùng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để thúc đẩy tất cả giáo viên phải đổi mới và đề thi tuyển sinh lớp 10 được đổi mới từ từ qua các năm học. Việc đổi mới cũng được tính toán theo lộ trình. Việc dạy học thật sự phải đổi mới mới bắt kịp đề thi đổi mới.

Thầy Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, dạy học tiếp cận năng lực đòi hỏi giáo viên phải đọc nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, chuẩn bị nhiều hơn. Đây sẽ là vấn đề ngành GD-ĐT thành phố tiếp tục chỉ đạo, thay đổi trong những năm học tới để làm sao việc đổi mới ở các trường phải được thực hiện cụ thể, hiệu quả hơn. Có như vậy, đổi mới phương pháp dạy và học mới có thể tiệm cận với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay.

Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức, gắn liền lý thuyết với thực tiễn. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giảm tải chương trình, tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực người học. Thời gian qua, việc đổi mới phương pháp dạy học tích cực, trong đó có phương pháp giáo dục STEM được các trường trên địa bàn thành phố triển khai mạnh mẽ ở những mức độ khác nhau tùy điều kiện từng trường. Theo đại diện các trường, để việc đổi mới mang lại hiệu quả bền vững, cần thiết phải đổi mới đồng bộ từ việc thi cử, kiểm tra, đánh giá phù hợp để giáo viên và học sinh mạnh dạn đổi mới.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/day-va-hoc-gan-voi-thuc-tien-542188