Dạy tiếng Việt lớp 1 theo sách Công nghệ giáo dục, giáo viên nói gì?

Mạng xã hội xôn xao, lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp Một về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục. Theo đó, chữ 'k', 'qu', 'c' đều đọc là 'cờ' và thay đổi cách đánh vần của các từ 'iên', 'uôn'.... Cách đánh vần này hoàn toàn khác lạ so với các học vần truyền thống, khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Giáo viên dạy lớp Một theo sách Công nghệ giáo dục nói gì về vấn đề này?

Phản ứng của dư luận, đặc biệt là các phụ huynh với cách dạy đánh vần mới này là hoàn toàn dễ hiểu. Khi con mới vào học tiểu học, việc kèm cặp, hướng dẫn con học tập ở nhà là hết sức quan trọng. Phụ huynh là gia sư ở nhà của con. Tuy nhiên, cách đánh vần mới này có rất nhiều thay đổi so với cách đánh vần mà phụ huynh đã biết. Không nắm được cách đánh vần mới thì làm sao dạy con học ở nhà? Vậy nên, sự hoang mang, lo lắng của cha mẹ học sinh là đương nhiên.

Cách đánh vần mới theo sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục khiến nhiều phụ huynh hoang mang

Tuy nhiên, tham khảo ý kiến của những giáo viên đã tham gia dạy lớp Một theo sách dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, có thể thấy nhiều ý kiến ủng hộ. Cô Hà, giáo viên dạy lớp Một theo chương trình Công nghệ giáo dục nhiều năm ở thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La cho rằng:

“Cách dạy trẻ đánh vần đã nhiều lần thay đổi. Thế hệ các cụ ông, cụ bà cắp sách đi học những năm 1940-1950 vẫn đánh vần theo cách ghép dần dần từng chữ để tạo thành vần rồi thành tiếng. Thí dụ đánh vần chữ "Chân": C-h-â-n-nờ = chân. (Xê-hát-ớ-chớ-en-nờ-chân = chân; Chờ-ớ-chớ-en-nờ-chân = chân).

Đánh vần theo kiểu hiện hành: đánh vần phần vần, sau đó ghép âm đầu với vần và thanh để tạo nên một tiếng, ví dụ: Ớ-nờ-ân-chờ-ân = chân.

Cách đánh vần theo sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục: học sinh đánh vần theo mô hình âm đầu-vần, ví dụ “chờ-ân-chân”.

Khi học vần, lại tách vần thành âm đệm/âm chính/âm cuối để học sinh biết cách phân biệt. Học sinh được học kỹ các quy tắc chính tả, ví dụ cùng đọc là âm “cờ” nhưng học sinh biết cách phân biệt khi nào viết “k”, khi nào viết “c”, khi nào viết “q”. Học sinh biết phân biệt cách viết âm đệm: khi nào viết u, khi nào viết o…

Trước đây học sinh bỏ dấu thanh tùy tiện, nhưng học chương trình này các em biết bỏ đúng dấu thanh vào âm chính”.

Các giáo viên đã dạy lớp Một đều nhận xét sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục được thiết kế rất chi tiết, bài bản

Cô Thanh, giáo viên đã dạy ba năm chương trình Công nghệ giáo dục ở thành phố Vĩnh Yên nhận định:

“Mục tiêu cơ bản là học sinh biết đọc và nắm chắc các quy luật chính tả để có thể viết đúng chính tả ngay từ lớp Một, thì chương trình đã đạt được.

Cách dạy cũ, chương trình cũ có thể dẫn đến học vẹt, chẳng hạn học sinh quen đọc kiểu chữ trong sách giáo khoa, nhưng khi khảo sát, cũng nội dung ấy, sử dụng mẫu chữ khác, in vào tờ giấy A4 học sinh lại không đọc được.

Học sinh đã đươc học bốn mẫu chữ chữ thường, chữ hoa, in thường, in hoa, do vậy, có thể nhận diện chữ dù viết bằng kiểu nào”.

Cô Nguyên, giáo viên tiểu học tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng, một giáo viên đã tham gia dạy lớp Một theo chương trình Công nghệ giáo dục ba năm cho rằng:

“Học sinh ở thành phố sẽ được đi học thêm, có tivi, có các phần mềm học tập, được bố mẹ hướng dẫn. Đối với học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh hầu như chỉ học tại lớp và tự học, thì chương trình này rất ưu việt.

Các em học sinh miền núi ít có sự kèm cặp của cha mẹ ở nhà, cũng đều nắm rất chắc cách đọc khi học sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục

Ở lớp các em đã biết phân tích tiếng bằng tay, được thực hành nhuần nhuyễn, được luyện đọc theo dãy, theo nhóm, theo bàn, theo cặp, đọc cá nhân hàng chục lần tại lớp. Như vậy về nhà các em sẽ không cần đánh vần nữa, mà đọc luôn.

Công nghệ này hướng dẫn các bước dạy học rất kỹ, rất bài bản, để học sinh luyện đọc theo một cách thức chuẩn.

Học sinh, kể cả học sinh dân tộc và học sinh ở vùng sâu vùng xa đều nắm rất chắc về cách đọc, cách viết chính tả. Học sinh đã đọc được là không bao giờ quên, không bao giờ tái mù và rất ít khi viết sai lỗi chính tả”.

Cách dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đòi hỏi giáo viên phải đầu tư kiến thức, phương pháp dạy học, cách tổ chức lớp học. Sự thay đổi ấy là điều kiện để đảm bảo những thành công cho chương trình. Như vậy, học sinh sẽ được hưởng lợi từ sự đổi mới của giáo viên.

Tuy nhiên, các giáo viên cũng đánh giá rằng, việc chỉ dạy chương trình này ở lớp Một, lên lớp Hai học sinh lại học theo chương trình cũ là một điều đáng tiếc. Cần có một chương trình trọn vẹn để nối tiếp thành quả mà các em được học từ lớp Một.

Sự lo lắng của các bậc cha mẹ khi con tiếp cận với cách đánh vần mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế có nhiều giáo viên đã tham gia giảng dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, ủng hộ chương trình này.

HƯNG LỢI

Được biết, năm 1986, bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời. Từ năm học 2013-2014, bộ sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại được đưa vào các trường tiểu học. Đến nay, gần 50 tỉnh, thành phố sử dụng. Có nơi triển khai 100% các trường dạy theo sách Tiếng việt lớp 1 của thầy Hồ Ngọc Đại.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/day-tieng-viet-lop-1-theo-sach-cong-nghe-giao-duc-giao-vien-noi-gi-11418.html