Dạy tiếng Anh lớp 1: Cần sự bắt đầu chuẩn chỉnh

Một sự bắt đầu tốt trong việc giảng dạy tiếng Anh từ lớp 1 sẽ giúp đạt được mục tiêu dạy học tiếng Anh ở phổ thông.

Học sinh tiểu học trong một tiết học tiếng Anh. (Nguồn: GDTĐ)

Còn hơn một tháng nữa năm học 2020-2021 mới bắt đầu; tuy nhiên, là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) nên từ cuối năm học 2019-2020, nhiều hoạt động chuyên môn như lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên chuẩn bị cho dạy lớp 1 đã được triển khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn công tác tập huấn giáo viên dạy lớp 1 trong đó yêu cầu hoàn thành việc tập huấn trước ngày 15/7. Đến nay, các nhà trường đã cơ bản sẵn sàng cho việc triển khai CTGDPT 2018.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc cho trẻ học tiếng Anh song song với việc bắt đầu học tiếng Việt từ lớp 1. Tuy tiếng Anh là chương trình tự chọn cho học sinh lớp 1, 2 nhưng có khá nhiều phụ huynh học sinh mong muốn cho con em của họ được học tiếng Anh sớm.

Lợi ích của học tiếng Anh sớm

Học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, nếu bắt đầu sớm sẽ có nhiều thuận lợi; song, cũng có những khó khăn cho con trẻ.

Những người theo thuyết "giai đoạn vàng" để học ngôn ngữ (Critical Period Hypothesis) thì cho rằng, độ tuổi tốt nhất cho trẻ học ngoại ngữ là khoảng từ 3 đến 7 tuổi. Ở giai đoạn này, khu vực ngôn ngữ trên bán cầu đại não phát triển nhất nên việc đắc thụ ngôn ngữ là dễ dàng nhất.

Tuy nhiên, việc học cả hai ngôn ngữ cùng một lúc sẽ có những thách thức cho trẻ. Một hiện tượng khá phổ biến là các em sử dụng lẫn lộn cả tiếng Việt và tiếng Anh trong giao tiếp (hiện tượng code-switching). Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại sợ con bị rối loạn ngôn ngữ; tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là một hiện tượng bình thường và sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên. Kể cả người lớn khi học ngoại ngữ cũng gặp hiện tượng này.

Tóm lại, việc học tiếng Anh sớm sẽ có nhiều lợi ích hơn. Một trong những thuận lợi là các em dễ đạt được mức độ chuẩn về ngữ âm. Ở giai đoạn này, nếu trẻ được tiếp xúc với người bản ngữ là tốt nhất. Nếu không, sau này sẽ rất khó sửa những lỗi phát âm cơ bản.

Nghịch lý về giáo viên tiếng Anh tiểu học

Công tác đào tạo, sử dụng giáo viên tiếng Anh tiểu học ở nước ta đang còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, là bất cập trong đào tạo. Rất ít trường đại học có khoa tiếng Anh sư phạm tiểu học. Phần lớn các trường đào tạo cử nhân ngoại ngữ để dạy tiếng Anh ở trung học phổ thông. Khi ra trường, ưu tiên đầu tiên của giáo sinh là dạy ở trường trung học phổ thông, sau đó mới chọn đến trung học cơ sở; tiểu học là lựa chọn cuối cùng.

Thứ hai, là bất cập trong sử dụng giáo viên. Thông thường, những giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản, có năng lực chuyên môn tốt thường được phân công dạy ở cấp cao hơn hay lớp cao hơn trong cùng cấp học.

Qua một thời gian công tác, những giáo viên được xem là yếu kém về chuyên môn ở cấp trung học phổ thông thì được điều chuyển xuống cấp trung học cơ sở; những giáo viên yếu kém ở cấp trung học cơ sở thì được điều chuyển xuống tiểu học.

Thứ ba, bất cập giữa bố trí giáo viên dạy chương trình bắt buộc và chương trình tự chọn. Hiện nay, một trường tiểu học chỉ có khoảng một hoặc hai giáo viên tiếng Anh nên họ chỉ đủ sức cáng đáng việc dạy học chương trình bắt buộc lớp 3,4,5.

Còn tiếng Anh lớp 1,2 là tự chọn nên giáo viên phần lớn là hợp đồng. Đa số giáo viên này lại được đào tạo không chính quy, hợp đồng dạy học theo mùa vụ, ít được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng dạy học… nên khó đáp ứng yêu cầu dạy học theo CTGDPT 2018.

Bộ GD&ĐT đã có Văn bản 681 hướng dẫn tổ chức dạy học tự chọn môn tiếng Anh lớp 1,2 theo CTGDPT 2018 trong đó có những yêu cầu cụ thể về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; các điều kiện thực hiện chương trình như chuẩn giáo viên, sách giáo khoa và các điều kiện đảm bảo khác.

Để triển khai dạy học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 hiệu quả theo CTGDPT 2018, thiết nghĩ, chúng ta cần có một chiến lược đồng bộ từ việc đào tạo giáo viên đến thay đổi chương trình sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo khác. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh sớm. Nếu không có sự bắt đầu tốt, sẽ rất khó đạt được mục tiêu dạy học tiếng Anh ở phổ thông.

Bảo Anh

Bảo Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/day-tieng-anh-lop-1-can-su-bat-dau-chuan-chinh-120201.html