Đẩy tiến độ nối thông cao tốc Bắc – Nam

Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP HCM. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.858 km đường cao tốc.

Cao tốc Bắc Giang -Lạng Sơn được thông xe kỹ thuật cuối tháng 9/2020.

Cao tốc Bắc Giang -Lạng Sơn được thông xe kỹ thuật cuối tháng 9/2020.

Đây cũng là hạng mục được Bộ GTVT sắp xếp theo thứ tự ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, trong 5 năm tới, Bộ GTVT đề xuất ưu tiên đột phá đầu tư 1.559 km để nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Tổng mức đầu tư 1.559 km cao tốc khoảng 188.400 tỷ đồng. Đồng thời, một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn (dài khoảng 1.136km) cũng được đề xuất đầu tư trong giai đoạn này.

Ban QLDA Thăng Long đang chuẩn bị đầu tư 11 dự án trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025. Theo Ban QLDA Thăng Long, trong 11 dự án đang được đơn vị chuẩn bị đầu tư, có 5 dự án nhóm A và 6 dự án nhóm B. Cả 5 dự án nhóm A đều là các dự án đầu tư cao tốc quy mô lớn, trong đó có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi (dài 34 km, tổng mức đầu tư 6.692 tỷ đồng), Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 54 km, tổng mức đầu tư 8.091 tỷ đồng).

Một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn được đề xuất đầu tư gồm: Vân Đồn - Móng Cái, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, TP HCM -Chơn Thành, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức, Tân Vạn - Nhơn Trạch (2A, 2B), TP HCM - Mộc Bài.

Còn lại, 3 dự án cao tốc quy mô lớn khác với chiều dài hơn 200 km, tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

6 dự án khác thuộc nhóm B gồm: Cải tạo, nâng cấp QL14D đoạn Km10 - Km37 và Km56 - Km74; cải tạo, nâng cấp QL29 đoạn qua tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk; cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si; nâng cấp, cải tạo QL6 đoạn Tuần Giáo - Mường Lay; cải tạo, nâng cấp QL217 đoạn QL1A đến đường Hồ Chí Minh.

Cùng với đó Ban QLDA2 đang gấp rút hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để khởi công xây dựng 3 dự án trong năm 2021 gồm: Dự án nâng cấp QL19, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc và dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn.

Đại diện Ban QLDA2 thông tin, tổng số có 20 dự án với tổng mức đầu tư lên tới hơn 120 nghìn tỷ đồng. Dự án có quy mô lớn nhất đang được Ban QLDA2 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hơn 66.580 tỷ đồng. Đây là dự án mới được Bộ GTVT giao Ban QLDA2 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với 19 dự án còn lại dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA2 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án (tổng mức đầu tư 35.802 tỷ đồng) và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 16 dự án (tổng mức đầu tư 16.847 tỷ đồng).

Cụ thể, 3 dự án đang được Ban QLDA2 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gồm: Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (tổng mức đầu tư 16.461,4 tỷ đồng), dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn (tổng mức đầu tư 12.649,5 tỷ đồng) và cao tốc Hà Giang nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tổng mức đầu tư 6.692 tỷ đồng).

Còn lại, 16 dự án đang được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc; dự án nâng cấp, mở rộng QL37C…

Bên cạnh đó, Đại diện Ban QLDA6 cho biết, đơn vị đang chuẩn bị đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, và sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 2 dự án cao tốc này và các dự án nhóm B trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Theo TS Ngô Trí Long, cao tốc Bắc - Nam sẽ là trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia, do khả năng tiếp cận đa dạng của các đối tượng khai thác. Hệ thống đường giao thông Việt Nam đã hình thành một trục dọc với Quốc lộ 1. Cùng với đó, những tuyến đường xuyên tâm chạy từ Đông sang Tây cũng tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, do đặc thù giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên nên tốc độ khai thác thấp, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải, áp lực giao thông ngày càng gia tăng. Hiện trạng tuyến đường này không thể nâng cấp mở rộng được, bởi sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, khối lượng giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả không cao.

“Sự xuất hiện của cao tốc Bắc - Nam với những tiêu chuẩn của đường chất lượng cao sẽ khắc phục được hạn chế này của mạng lưới giao thông hiện nay”, theo TS Ngô Trí Long.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, giai đoạn 2011 - 2020 đã có 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến cao tốc hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam bộ và phía Bắc, TP HCM - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-tien-do-noi-thong-cao-toc-bac--nam-552804.html