Dạy thêm, học thêm ở Mỹ

Làm giáo viên ở Mỹ tròn 10 năm, tôi chưa từng một lần được đi dạy thêm. Đến Mỹ khi mới học lớp 2 và lớp 5 nhưng đến khi tốt nghiệp cấp 3 các con tôi vẫn chưa từng một lần đi học thêm hay tôi phải thuê gia sư cho con.

Vì các con tôi giỏi ư? Không, ngày các con tôi đặt chân đến Mỹ, trình độ tiếng Anh của các con khá ổn nhưng chỉ ở mức độ đủ giao tiếp chứ ngôn ngữ trường học và các môn khoa học thì hoàn toàn mới. Nhưng thay vì tôi phải thuê gia sư hoặc tự dạy thêm tiếng Anh cho các con ở nhà thì tất cả trường học ở Mỹ đã có sẵn chương trình để hỗ trợ học sinh mới nhập cư hoặc học sinh Mỹ chậm phát triển về ngôn ngữ. Trong ngày, các con được cô giáo đưa đến một lớp học riêng để kèm thêm, không chỉ về ngôn ngữ mà về tất cả các môn nếu chưa thể bắt kịp với các bạn trong lớp.

Học sinh phổ thông ở Mỹ không đi học thêm mà thường dành thời gian cho thể thao, âm nhạc, mỹ thuật... Trong ảnh: Một học sinh Mỹ gốc Việt (thứ hai từ phải sang) triển lãm tranh tại trường. Ảnh: Ngô Tâm

Học sinh phổ thông ở Mỹ không đi học thêm mà thường dành thời gian cho thể thao, âm nhạc, mỹ thuật... Trong ảnh: Một học sinh Mỹ gốc Việt (thứ hai từ phải sang) triển lãm tranh tại trường. Ảnh: Ngô Tâm

Chương trình này trải rộng khắp nước Mỹ và từ cấp tiền tiểu học đến hết lớp 12. Tất cả các trường đều có đội ngũ giáo viên đặc biệt riêng để kèm học sinh kém hơn, hoặc có vấn đề về tâm lý hay thậm chí bị tự kỷ nhẹ hoặc mắc hội chứng Down. Các bạn này đều đi học lớp học bình thường nhưng sẽ luôn có một giáo viên đặc biệt ngồi bên cạnh hỗ trợ và cô giáo đó sẽ có nhiệm vụ viết báo cáo cho phụ huynh và nhà trường về tình hình của học sinh.

Ngày tôi mới sang Mỹ đi học thạc sĩ giáo dục và trong thời gian đi học, tôi luôn dành hai ngày trong tuần để đi thực tập tại các trường học. Tôi chứng kiến học sinh được nhà trường và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt mà phụ huynh không tốn một đồng nào.

Ở Mỹ, từ cấp học tiểu học đến hết cấp 3, phụ huynh không phải đóng tiền học phí cho con, cũng không phải mua bất cứ một quyển sách nào cho con. Tất cả đều “miễn phí” ở trường, thậm chí nếu gia đình có mức thu nhập thấp thì các con được ăn sáng, ăn trưa và cả ăn nhẹ buổi chiều mà bố mẹ không cần phải đóng thêm đồng nào, kể cả xe đưa đón. Miễn phí mà không phải “miễn phí”. Bởi mỗi một giờ làm của bố mẹ đều phải đóng đủ các loại thuế, trong đó chắc chắn có thuế cho giáo dục.

Vậy nên, dạy và học thêm ở Mỹ hầu như không có, thuê gia sư cho con học là quá xa xỉ với phụ huynh, có chăng là học sinh một số trường tư, trường chuyên ở Mỹ và một phần không nhỏ là học sinh đi du học từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc sang học rồi thuê gia sư để dạy cách viết bài luận đầu vào đại học hay những bài thi lấy điểm SAT.

Hai con của tôi và tất cả các bạn của con tôi đều không đi học thêm một giờ nào. Trước khi vào đại học thì đã có đội ngũ giáo viên ở trường và các nhà tư vấn chuyên tư vấn, dạy cách viết và thi để vào trường đại học theo sở thích của các con.

Một điểm cực kỳ khác biệt ở Mỹ và Việt Nam trong năm cuối kỳ học phổ thông là học sinh năm cuối ở Việt Nam học ngày học đêm để chuẩn bị thi tốt nghiệp, vào đại học, trong khi ở Mỹ, năm lớp 12 lại là năm thảnh thơi nhất của học sinh.

Tại sao vậy? Tất cả học sinh lớp 12 đều xin vào đại học vào tháng 11 là sớm nhất và muộn nhất là tháng 2 của năm cuối cấp. Và thường các con đã viết bài luận trước đó, điểm học suốt 4 năm thì được nhà trường cập nhật và gửi kèm hồ sơ đăng ký online.

Vậy nên ở Mỹ, học hay không là do sự lựa chọn của các con ngay từ khi bước vào lớp 9 (năm đầu của cấp 3). Nếu xác định ngay từ đầu là sau này sẽ học nghề thì các con tự lựa chọn cho mình lớp học dễ, mỗi môn học có 4 level 1, 2, 3, 4, càng lên cao lớp càng khó. Hồi con tôi mới vào lớp 9 nhưng đã học chung với các anh chị học lớp 12 một số môn, thậm chí con gái tôi năm lớp 11 đã học hầu hết các môn bắt buộc của lớp 13 nên năm lớp 12, con toàn học môn tự chọn và lấy một số môn học cho cấp đại học để sau này đỡ tốn tiền các môn đó. Vì nếu học ở cấp 3 thì có thể chỉ đóng 100 USD/môn nhưng lên đại học, học phí môn học đó sẽ lên tới hàng nghìn. Và thường thì học sinh lớp 12 dành hầu hết thời gian rảnh của mình đi làm kiếm tiền để chuẩn bị cho những năm học đại học đắt đỏ nhất thế giới.

Khi xác định sẽ làm gì cho tương lai của mình, các con sẽ tự chọn con đường đó ngay từ những năm học phổ thông. Tuy không hề học thêm nhưng kiến thức các con vô cùng chắc. Tôi chỉ so sánh các con tôi bây giờ và tôi những ngày học phổ thông ở Việt Nam, cái thời thi vào đại học khó như đi thi khoa bảng thời xa xưa thì giờ đây các con tôi kiến thức tổng hợp hơn hẳn tôi, thậm chí hơn tôi ở hiện tại.

Khi các con tôi học xong đại học, tôi sẽ về Việt Nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên và nơi tôi luôn tự hào có bố mẹ và gia đình, để làm một điều gì đó cho học sinh Việt Nam.

Ngô Tâm (Từ New Hampshire, Mỹ)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/day-them-hoc-them-o-my-post1694032.tpo