Dạy thêm, học thêm - Góc nhìn từ hai phía

Cách đây 25 năm, trong công văn ngày 6/6/1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Có thể khẳng định, quyết định trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo được số đông phụ huynh học sinh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Từ đó đến nay, không có năm nào vấn đề trên không được đặt ra và không thể thống kê hết số văn bản của ngành Giáo dục và Đào tạo trong cả nước đề cập, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, đến nay vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn còn hết sức phức tạp, xuất phát từ cả phía người dạy và người học.

Hình minh họa

Hình minh họa

Tôi nhớ có lần trả lời phỏng vấn báo chí, một vị giáo sư có uy tín của ngành giáo dục có nói đại ý rằng: khi người ta ăn chưa đủ no thì phải ăn thêm, mặc chưa đủ ấm thì phải mặc thêm và học chưa đủ thì phải học thêm. Thời chúng tôi đi học có hai loại học thêm rất tự nguyện. Đó là việc các thầy, cô chọn những học sinh giỏi để phụ đạo nâng cao trình độ để đi thi học sinh giỏi (văn, toán) và những giờ phụ đạo học sinh học yếu thường do chi đoàn thanh niên đứng ra tổ chức để các bạn học khá giúp các bạn học kém (có thể các thầy, cô cũng đến giúp). Thời ấy, từ phổ thông cho đến đại học cứ 1 tiết học trên lớp nghe thầy, cô giảng bài thì ít nhất học trò cũng phải có khoảng thời gian tương ứng để tự học, làm bài tâp, luyện tập, ôn bài cũ. Việc dạy thêm, học thêm thời ấy dù ở đầu nào cũng mang yếu tố tích cực, được cả gia đình, nhà trường và xã hội ủng hộ.

Sau gần bốn mươi năm cải cách giáo dục, việc dạy thêm và học thêm đã trở thành "vấn đề" quan tâm của toàn xã hội. Có lẽ do chương trình cải cách giáo dục quá nặng, giờ học chính khóa trên lớp không đủ, nên con trẻ thời nay cứ phải học thêm liên miên ngày này sang ngày khác, tháng nọ sang tháng kia. Vẫn biết bể học là vô cùng, học cả đời vẫn không hết. Vả lại, nếu có điều kiện cho con cái học thêm, thêm giỏi thêm khôn thì càng tốt. Cháu hàng xóm nhà tôi khá thông minh, mới lên bốn tuổi đã thuộc hết mặt chữ cái, khi học mẫu giáo lớn cháu đã biết đọc hết cuốn sách Tiếng Việt lớp 1. Ấy vậy mà tuần đầu tiên khi vào lớp 1 cháu đã phải đi học thêm? Tất nhiên là cháu được học cách đánh vần như các bạn chưa biết chữ mới vào học. Còn ở các cấp học từ phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học, tôi thấy các em đi học thêm quá nhiều. Khi hỏi mới được biết không phải các em chỉ học cho giỏi, cho chắc kiến thức đang học mà là "học trước". Các em đang học lớp dưới (chính khóa) đi học thêm chương trình lớp trên. Học sinh lớp 11 học trước chương trình lớp 12 đến năm học lớp 12 học lại chương trình đã học (cho vững) để thi đại học cho chắc. Tất nhiên với những em học giỏi, thông minh thì việc học trước chương trình cũng không khó lắm. Trên thế giới cũng đã có hiện tượng trẻ em thông minh xuất chúng, học 1 năm ba, bốn lớp nhưng đó không phải là hiện tượng phổ biến, đáng khuyến khích để áp dụng cho số đông. Hơn nữa, học trước không có nghĩa là học giỏi và sẽ càng bất lợi khi kiến thức chính lớp các em học chưa vững lại mất thời gian, công sức, tiền của để học trước những điều trước sau cũng phải học. Khi mà kiến thức bên dưới còn chưa vững thì tiếp thu được bao nhiêu kiến thức học trước của lớp trên. Đó là chưa kể những giờ học thêm, nhiều em cho rằng mình đã đóng tiền sòng phẳng cho thầy thì thích học thì học, thích chơi thì chơi và chất lượng những giờ học, buổi học thêm thường không cao. Trong khi đó còn nhiều gia đình kinh tế khó khăn, không có điều kiện cho con đi học thêm, nhưng nhiều em vẫn học giỏi. Thậm chí, có những em đỗ “thủ khoa đầu vào đại học” mà không hề đi học thêm như báo chí đã nhiều lần đưa tin.

Nhà trường cần làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên để dạy thêm,
học thêm đúng định hướng và thực sự phát huy hiệu quả.
ẢNH: VŨ QUYẾT

Nhưng cũng thật không phải khi có một số người "đánh đồng", rồi phủ định sạch trơn mọi giá trị của việc dạy thêm, học thêm bất kể thuộc hoàn cảnh, đối tượng nào. Ngay trong hè năm nay, các trường ở Hà Nội thực hiện khá nghiêm chỉnh quy định của Bộ và Sở về việc không dạy thêm tràn lan. Dù vậy, tôi được biết nhiều giáo viên vẫn đang tiến hành việc dạy thêm ở các gia đình (không phải do nhà trường tổ chức) dưới hình thức cha mẹ học sinh tổ chức lớp, mời thầy, cô đến phụ đạo, kèm cặp tại nhà. Một số giáo viên cho biết, tổ chức như thế việc dạy thêm lại nhàn nhã, thuận tiện hơn, nguồn thu cao hơn vì không phải nộp lại bất cứ một khoản nào cho nhà trường hay công đoàn, lại chủ động về thời gian. Không có luật nào cấm "gia sư". Ngay các sinh viên đại học năm thứ nhất, thứ hai đã đi làm "gia sư" để kiếm thêm tiền, không lẽ những giáo viên được đào tạo đúng nghề lại không thể làm gia sư? Khi xã hội có nhu cầu, mà nhu cầu đó là chính đáng thì chắc chắn nó sẽ được đáp ứng và vẫn tồn tại.

Thực tế các trường, phòng, sở thuộc ngành giáo dục và đào tạo không thể quản lý được tất cả các lò luyện thi, các điểm dạy thêm tại các gia đình. Dù vậy, nếu chỉ "cấm hành chính" việc dạy thêm công khai một cách hình thức đơn thuần có thể sẽ dẫn đến không kiểm soát được việc "dạy chui". Yếu tố đầu tiên để việc dạy và học thêm được phát triển lành mạnh, tích cực phải trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện từ yêu cầu chính đáng của người học chứ không phải là hình thức chống đối theo kiểu cô giáo bắt học sinh phải viết đơn "tự nguyện" như một số nơi đã làm. Lại càng không thể chấp nhận được việc áp đặt các cháu không muốn đi học thêm cũng phải đi học thêm bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc các cháu không đi học thêm thường nhận được kết quả không bằng các cháu đi học thêm. Hơn nữa, bằng cách dạy, cách kiểm tra, học sinh và phụ huynh học sinh thấy chỉ các cháu đi học thêm mới có lợi thế về điểm và xếp loại. Như thế, dù muốn hay không mọi học sinh đều "phải tự nguyện". Thái độ thờ ơ, để việc dạy thêm tự do, tràn lan như bấy lâu nay cũng như việc cấm triệt để hoàn toàn việc dạy thêm với cả các đối tượng thật sự cần được học thêm để tránh "phiền phức, mang tiếng..." đều không mang lại hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Trẻ em vẫn cứ là trẻ em, ngoài thời gian học tập, giúp đỡ gia đình, các em còn có nhu cầu được vui chơi, giải trí, tiếp xúc với thiên nhiên... Sinh thời, Hồ Chủ tịch hết sức quan tâm đến việc chăm sóc giáo dục thiếu niên. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi ngày 25/8/1950, Người căn dặn: "Giáo dục thiếu nhi là một khoa học, cần dạy cho các cháu biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa nhưng đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của các cháu, không được làm cho các cháu thành các ông già̀ bé"1.

Nhiều bậc phụ huynh thời nay đặt ra cho các cháu một thời gian biểu dày đặc. Ngoài giờ học văn hóa và học thêm ở trường, các cháu cấp I đã phải học thêm trong tuần, như: đàn organ, tiếng Anh, tin học, hội họa và cả nữ công gia chánh. Tất cả các môn học đó là hết sức quan trọng và cần thiết với các cháu hiện tại cũng như tương lai, nhưng đáng lưu tâm là học ở đâu và khi nào để không biến các cháu thành những "ông già, bà già" trong lứa tuổi thiếu nhi, không đẩy sự học thêm đến quá tải, quá sức chịu đựng của các cháu.

Tôi đã chứng kiến cảnh cháu bé hàng xóm, từ lúc học mẫu giáo bé đã rất yêu ca hát, hát líu lo suốt ngày. Đến khi cháu vào mẫu giáo lớn thì bố mẹ cháu mua cho cháu cây đàn organ điện tử và thuê thày dạy riêng cho cháu. Không biết cháu thực sự có năng khiếu âm nhạc không, chỉ biết rằng từ đó cháu không còn là “sơn ca” của khu phố nữa mỗi buổi luyện đàn như trở thành cực hình đối với cháu.

Nhiều bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào khả năng của con em mình, đã dồn ép, nhồi nhét cho các em đủ các môn năng khiếu. Nhiều em học sinh ở lứa tuổi cấp I, cấp II được người lớn nhồi nhét cho những điều vượt trước lứa tuổi (theo ý thích chủ quan của người lớn). Từ bài văn cho đến cách giao tiếp ứng xử của các em đều khuôn sáo, thiếu sự hồn nhiên, trong sáng, vui vẻ cần có của lứa tuổi.

Sự học đã vậy, sự chơi của các em lại đáng quan tâm ở một thái cực khác. Người lớn ngày nay có quá nhiều chỗ để có thể vui chơi giải trí, "vui khỏe trẻ trung" với những tụ điểm, hội đoàn, câu lạc bộ,... thì ngược lại, chỗ vui chơi giải trí cho các em từ thành thị đến nông thôn lại không nhiều. Ở thành phố, thị xã từ lứa tuổi mẫu giáo đến phổ thông trung học đều thiếu những nơi vui chơi tập thể theo lứa tuổi. Các em thường lấy hè phố làm sân tập, sân trường làm công viên, gốc cây, góc phố làm thư viện. Còn các quán karaoke, trò chơi điện tử lại không phải là nơi giải trí lý tưởng cho các em khi hàng ngày các em đã có quá thừa "thời gian ngồi" ở lớp, ở trường, ở nhà, rất không lợi cho thể chất, sức khỏe với lứa tuổi đang lớn.

Lại một mùa hè nữa qua đi, năm học mới bắt đầu. Ngay trong những ngày "học hè không yên ả" tôi đã thấy các cháu tôi và bạn học của chúng bàn nhau việc học thêm khi vào năm học? Thực tế cho thấy vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn đang được đặt ra và cần có biện pháp thích hợp để giải quyết thấu đáo chứ không thể chỉ bằng những chỉ thị hành chính đơn thuần.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập Nxb. Sự thật Hà Nội 1985, tập 5, tr.414-415.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/van-hoa-xa-hoi/day-them-hoc-them-goc-nhin-tu-hai-phia-48057.html