Dạy sinh viên xây dựng dự án như show truyền hình

Trong chương trình giáo dục ĐH, có những môn học rất ít tín chỉ và thường bị người học xem nhẹ, còn người dạy thì dạy khá qua loa. Tuy nhiên, ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên của khoa Quản lý nhà nước về xã hội ở Học viện Hành chính Quốc gia đã biết cách biến môn học Quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo thành một sân chơi sáng tạo và thực tiễn cho các bạn sinh viên, mặc dù môn học này chỉ có 2 tín chỉ.

Học tập các môn sinh học, nông nghiệp theo dự án thực nghiệm

Sinh viên tham gia xây dựng dự án

ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên

Môn quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo thường sẽ được giảng dạy vào năm thứ ba tại trường. Theo ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên, khi đó, các bạn sinh viên đã có đủ trải nghiệm và kiến thức để xử lý tốt các dạng bài tập lớn.

Trong lớp học khoảng 60 - 80 sinh viên, ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên chia đều họ thành các nhóm và cho mỗi nhóm tự đăng ký nội dung dự án kinh tế - xã hội xoay quanh đề tài Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi nhóm sẽ có một tuần chuẩn bị tài liệu, sách vở, lên kế hoạch và đi khảo sát, tính toán (nếu cần). Sau đó, thành viên nhóm tập hợp lại viết khung dự án rồi bắt đầu bổ sung chi tiết cho đến lúc hoàn thiện. Khi hoàn thành dự án, nhóm tự thiết kế slide trình chiếu tóm tắt dài không quá 40 trang power point.

Trong phần giới thiệu dự án, nhóm cử đại diện đứng ra thuyết trình. Từ phía lớp học, bản thân cô Duyên và các nhóm còn lại sẽ nhập vai nhà đầu tư. Buổi học giống như một show truyền hình SharkTank. Nhóm thuyết trình được cho 10 tỷ đồng tiền vốn giả định để xây dựng dự án và phải trình bày sao cho thuyết phục được các “nhà đầu tư” bơm vốn vào dự án vì thấy được tính hiệu quả trong tương lai. Mỗi “nhà đầu tư” sở hữu 1 tỷ đồng tiền mặt giả định. “Để biết nguồn vốn của mình được đầu tư đúng hướng hay không, các “nhà đầu tư” phải phản biện liên tục, bắt buộc bên “gọi vốn” đưa ra nhiều lập luận thuyết phục. Tôi không cho điểm tuyệt đối dựa vào sự lời lỗ của dự án, mà quan sát cách các em trình bày quan điểm. Nhóm nào được nhà đầu tư bỏ nhiều vốn nhất thì sẽ có điểm cộng. Sở dĩ tôi phải tham gia làm một “nhà đầu tư” vì có nhiều nhóm đầu tư giải ngân nguồn vốn khá cục bộ. Họ sợ đến lượt nhóm khác giải ngân thấp cho nhóm mình nên sẽ có tâm lý nể nang nhau, chưa tính đến việc một số ít sinh viên có biểu hiện cay cú do không nhận được sự đầu tư đúng như kỳ vọng. Tôi là người nắm “nguồn vốn” chủ đạo là 10 tỷ, có thể chi phối kết quả, giúp điều tiết hoạt động của buổi trình bày dự án”, cô Duyên lý giải.

Cô Duyên chia sẻ rằng, những dự án của các bạn sinh viên tuy tính thực tế chưa cao song nó phản ánh được khả năng hợp tác, làm việc nhóm, sự đầu tư nghiên cứu để hiểu biết về kinh tế, văn hóa, địa dư, phong tục, đời sống, đường lối canh tác, đặc điểm tự nhiên thuộc về không gian sinh tồn của một bộ phận dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. “Nhiều nhóm xây dựng được những dự án rất quy mô và vô cùng bài bản. Nếu các bạn được hướng dẫn tốt và học tập sâu hơn thì có thể phát triển dự án sánh ngang với tầm vóc của các dự án lớn đang nhận được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế”, cô Duyên tự hào nói.

Sinh viên thực hiện dự án như thế nào?

Thời lượng học phần Quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo kéo dài trong 3 tuần, mỗi tuần có 2 buổi, sinh viên học 5 tiết/buổi. Trong hai buổi của tuần đầu tiên, cô Duyên trao đổi với lớp về hệ thống kiến thức, cho các bạn tiếp xúc với các tình huống học tập và hướng dẫn cách xây dựng dự án. Tuần tiếp theo, các bạn sinh viên vừa họp nhóm làm dự án vừa có hai buổi làm việc với tình huống. Điểm đánh giá dự án và điểm giải quyết tình huống lần lượt chiếm tỷ lệ là 70% và 30%. Ở tuần kết thúc, các nhóm tập trung trình bày và phản biện dự án trong hai buổi cuối cùng.

Nhóm của bạn Nguyễn Hoàng Hiệp, lớp KS13E tổ chức nhân sự 3, lựa chọn đề tài xây dựng hợp tác xã nông nghiệp trồng cà phê hiện đại cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Đây là dự án được các bạn nghiên cứu triển khai khá chuyên nghiệp và đạt điểm số tuyệt đối. Hoàng Hiệp cho biết: “Bài tập của cô Duyên có độ mở rất cao, tụi em không sợ làm sai chỉ sợ làm không hết sức mình nên ai cũng hào hứng bắt tay vào thực hiện công việc”. Dự án này học tập theo mô hình giao dịch hàng hóa của Brazil và hợp tác xã kiểu mới ở Đồng Tháp. Đầu tiên, nhóm sẽ lên kinh phí mua máy móc, thiết bị, kho chứa, mời chuyên gia công nghệ và quản lý về điều hành nông trại. Kế đến, họ thông qua tổ chức xã hội giả định, kết hợp với chính quyền địa phương vận động bà con dân tộc đóng góp đất nông nghiệp vào hợp tác xã, từ diện tích đóng góp của mỗi người, nhóm tiến hành phân chia tỉ lệ cổ phần để dễ dàng chia hoa lợi và lợi nhuận sau thu hoạch.

Nhóm học tập theo hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa quốc tế, phát hành trái phiếu hàng hóa được bảo lãnh bằng giá trị thiết bị, máy móc để huy động vốn đầu tư mở rộng quy mô canh tác và triển khai công nghệ sản xuất đồng loạt. Bên cạnh đó, họ giả định việc chứng minh năng lực sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn đầu ra cho doanh nghiệp thu mua. Hai phía cùng nhau đàm phán hợp đồng tương lai liên quan đến kỳ vọng về mức giá sau ngày thu hoạch. Doanh nghiệp có thể mua trái phiếu như một hình thức ứng trước vốn cho hợp tác xã. Khi mùa vụ thu hoạch xong, hợp tác xã sẽ hoàn trả tiền gốc và lãi, đồng thời, doanh nghiệp thanh toán phần còn lại ghi trong hợp đồng (nếu có).

ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên nhận xét: “Đây là mô hình hoàn toàn có thể triển khai trong thực tế nếu nhận được sự hỗ trợ đúng mực. Tôi cũng không thể tin rằng sinh viên của mình rất am tường về lĩnh vực nông nghiệp, tài chính và giao dịch quốc tế như vậy, trong khi thời gian dành cho các em chỉ vỏn vẹn một tuần”. Theo cô Duyên, điểm nhấn của những dự án thế này là các bạn biết cách tái phân phối lợi nhuận vào việc xây dựng điện, đường, trường, trạm ở vùng cao, vùng sâu nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. “Không nhất thiết làm một dự án phải cho lợi nhuận ngay từ ban đầu. Dự án giả định của nhóm Hoàng Hiệp lỗ lũy kế lên đến 120 tỷ đồng trên tổng số 10 tỷ đồng nguồn vốn ban đầu. Nếu cộng hết tiền của các nhà đầu tư ở đây lại cũng không bù vào được, nhưng không phải vì thế mà chấm điểm các bạn theo khuôn khổ. Dự án được đánh giá dựa trên yếu tố logic tạm chấp nhận được và khả năng chứng minh mức độ khả thi”, ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên nhận xét.

Khi thực hiện những dự án kể trên, mục đích của cô Duyên là giúp cho các bạn sinh viên có được tầm nhìn chính sách cởi mở hơn, đi sâu vào thực tiễn hơn là học kiến thức tầm chương trong sách vở.

Trấn Kiên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-sinh-vien-xay-dung-du-an-nhu-show-truyen-hinh-3941016-b.html