Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính

Chiều 11-9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với đại diện 7 địa phương gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ về triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.

Thông tin đáng lưu ý, tiến độ xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính tại 7/7 tỉnh nêu trên đang được đẩy nhanh. 100% địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử, như: Bắc Giang 98%, Bắc Ninh 95%.

Các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử; còn các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh đang triển khai, thử nghiệm áp dụng chữ ký số cá nhân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ công tác, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia của các địa phương còn rất chậm, số lượng rất ít, như: Thái Bình 5 dịch vụ công, Nam Định 6 dịch vụ công, Phú Thọ 6 dịch vụ công và hầu hết là các dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ trước tháng 3-2020. Thêm vào đó, còn nhiều dịch vụ công, thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao. Với tiến độ triển khai như hiện nay sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2020.

Về tình hình triển khai cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính, một số địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao, như: Bắc Ninh (99,97%), Hà Nam (99,7%), Thái Bình (99,1%).

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, các địa phương đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân; chỉ đạo các bộ, ngành trung ương sớm hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Song song đó, nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương trong triển khai các hệ thống thông tin dùng chung (hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống phản ánh kiến nghị, hệ thống báo cáo, hệ thống lưu trữ điện tử...) nên dựa trên hệ thống quản lý văn bản điều hành đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện và xã để tránh phát sinh quá nhiều hệ thống thông tin riêng, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai tại địa phương.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian đến cuối năm không còn dài, vì vậy, Tổ công tác đề nghị các địa phương tích cực, quyết liệt đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách, tập trung mạnh mẽ vào các thủ tục liên quan đến dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Về kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị 7 địa phương, đến hết tháng 11-2020, hoàn thành việc kết nối để bảo đảm mục tiêu của Chính phủ về kết nối 70% ở cấp tỉnh, 60% ở cấp huyện và 30% ở cấp xã, phường, thị trấn.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/978190/day-nhanh-tien-do-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-va-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh