Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm

Để giảm áp lực quá tải về giao thông trên địa bàn, những năm gần đây, TP Hà Nội tập trung triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, các dự án đều bị chậm tiến độ mà điểm nghẽn phần lớn do công tác giải phóng mặt bằng. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải quyết liệt hơn nữa để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án theo yêu cầu.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Nhà ở mặt đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm), nơi công trường đang thi công mở rộng đường, cho nên ngày nào trước khi đi làm, chị Nguyễn Thị Thúy cũng phải “nai nịt” kín mít để tránh bụi bẩn. “Tiến độ dự án quá chậm khiến đời sống người dân trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn”, chị Thúy chia sẻ.

Đó cũng là bức xúc của rất nhiều người tại các phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), hay phường Cổ Nhuế 1, phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) vì ngày nào cũng phải đối mặt với cảnh tắc đường, khói bụi. Được khởi công từ tháng 10-2016, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay, dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long vẫn còn rất ngổn ngang. Nguyên nhân của tình trạng này do tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm. Đến nay, quận Cầu Giấy đã bàn giao xong mặt bằng, nhưng tại quận Bắc Từ Liêm, vẫn còn hơn 200 hộ dân chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Sau nhiều chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận phấn đấu đến ngày 31-12-2018 sẽ hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này. Như vậy, dự án phải kéo dài đến quý IV-2019 mới xong.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm khác của Hà Nội cũng đang trong tình trạng này. Kéo dài lâu nhất là dự án đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, được khởi công từ năm 2013, dự kiến hoàn thành trong năm 2015, nhưng đến nay vẫn đang “quyết liệt đẩy nhanh tiến độ”. Tiếp nối là dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng cũng chậm khoảng hai năm so với mục tiêu đề ra. Nhiều dự án khác như đường trục phía nam, cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, vẫn đang rất chậm. Trong khi đó, hàng loạt công trình trọng điểm được TP Hà Nội xác định thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay chưa thể triển khai, thậm chí chưa lựa chọn được nhà đầu tư, chưa có cơ sở xác định thời gian thực hiện. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, bên cạnh một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, thủ tục đầu tư, phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thì nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc.

Gỡ vướng mắc

Là đơn vị chủ công trong lĩnh vực này, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được giao theo dõi, quản lý, thực hiện 29 dự án công trình trọng điểm. Đến nay, ba công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là ba cầu vượt tại nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh và An Dương - đường Thanh Niên, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông tại những nút giao có mật độ giao thông lớn nhất Thủ đô. Cùng với đó, ba dự án sử dụng vốn đầu tư công và hai dự án đầu tư theo hình thức PPP đang được thi công, nhưng một dự án chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2018 do vướng về giải phóng mặt bằng, một dự án cũng không bảo đảm tiến độ do thực hiện các thủ tục bổ sung.

Với ba dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa được khởi công, chưa hoàn thành thủ tục chọn nhà đầu tư, gồm: cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (hoàn thành trong quý IV - 2019); hầm chui nút giao đường vành đai 2,5 và đường Giải Phóng (quý IV - 2020) và hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 (quý IV - 2020), tuy nhiên Ban QLDA cam kết sẽ bảo đảm tiến độ. Riêng dự án cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch mới đang thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo mở rộng phần đi bằng, cho nên Ban QLDA đề xuất đầu tư giai đoạn sau. Khó khăn hơn, trong 18 dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa được khởi công, có 15 dự án loại hợp đồng BT đều là chưa ký hợp đồng bởi Bộ Tài chính đang có ý kiến tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đến khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) có hiệu lực thi hành…

Giám đốc Ban QLDA Phạm Hoàng Tuấn chia sẻ, việc triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm chủ yếu theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, song quỹ đất thanh toán cho các dự án BT chưa được cân đối đủ. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố giao Ban chủ trì rà soát điều chỉnh, chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố; sớm kiến nghị Trung ương hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tại buổi giám sát về các dự án giao thông trọng điểm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, tiến độ các dự án đang rất chậm. Do đó, đề nghị các chủ đầu tư, sở, quận, huyện liên quan đến các dự án này đánh giá kỹ những khó khăn, kiến nghị cụ thể hơn với từng dự án đang chậm tiến độ. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phát huy cao vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư các dự án, tiếp thu đầy đủ ý kiến, sớm báo cáo tổng thể về riêng các dự án PPP để gửi đoàn, kiến nghị UBND thành phố.

Các chủ đầu tư cần quyết tâm thực hiện đúng cam kết “chỗ nào có mặt bằng thì triển khai thi công ngay”. Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu bố trí kế hoạch vốn cần căn cứ khả năng thực hiện của các chủ đầu tư, nếu cần vẫn có thể điều chỉnh theo nguyên tắc không để thiếu vốn, nhưng phải sử dụng vốn hiệu quả cao nhất. Các quận, huyện hằng tuần, hằng tháng báo cáo tiến độ các dự án trọng điểm với UBND và cả HĐND thành phố; các sở, ngành giảm đến mức thấp nhất thời gian hành chính để giải quyết nhanh nhất cho các dự án trọng điểm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37965402-day-nhanh-tien-do-xay-dung-cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem.html