Đẩy nhanh tiến độ liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện

Nếu thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, số lượng xét nghiệm sẽ giảm đáng kể, điều này sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc cho người bệnh, đồng thời cũng giảm quá tải bệnh viện.

Ngày 26-11, tại TPHCM, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Trường Đại học Y Dược TPHCM) tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm và hoàn tất liên thông kết quả xét nghiệm theo QĐ 316/TTG-CP sau 2 năm thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, năm 2017 các bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện 528.765.000 xét nghiệm, tăng 1,02% so với năm 2016. Trong đó, xét nghiệm ở bệnh viện tuyến tỉnh chiếm đa số với 51%, các bệnh viện tuyến Trung ương 22% và 20% thuộc về các bệnh viện tuyến huyện.

Nếu thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, số lượng xét nghiệm sẽ giảm đáng kể, điều này sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc cho người bệnh, đồng thời cũng giảm quá tải bệnh viện.

Vì vậy, các bệnh viện cần đẩy nhanh tiến độ liên thông xét nghiệm nhằm giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.

Kỹ thuật viên làm xét nghiệm tại một cơ sở y tế

Kỹ thuật viên làm xét nghiệm tại một cơ sở y tế

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để có thể làm được điều này trên toàn quốc, trước hết cần phải chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm của các bệnh viện. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để các bệnh viện có thể công nhận kết quả lẫn nhau cũng như đảm bảo chất lượng của các kết quả xét nghiệm.

Bộ Y tế đã giao các Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm của 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí cho các phòng xét nghiệm trong cả nước.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn thứ 2 để liên thông kết quả xét nghiệm thuận lợi là đội ngũ nhân lực làm việc trong các phòng xét nghiệm phải có trình độ tương đương nhau trên toàn quốc.

“Hiện Bộ Y tế đã xây dựng, ban hành, chỉ đạo việc triển khai, đào tạo đánh giá viên, công bố kết quả đánh giá, tiếp tục đề xuất các chính sách liên quan đến kiểm chuẩn xét nghiệm. Bộ cũng yêu cầu các Trung tâm kiểm chuẩn hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, đào tạo, giám sát, chương trình ngoại kiểm cho các bệnh viện”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học – Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, qua 2 năm tổ chức triển khai Quản lý chất lượng theo Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học trên toàn bộ địa bàn do Trung tâm quản lý tại 4 khu vực là miền Trung, Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Trung tâm đã phổ biến đào tạo tiêu chí cho toàn bộ các đơn vị tuyến Trung ương và hạng 1.

Cụ thể, hỗ trợ và đánh giá 23 đơn vị bao phủ tuyến Trung ương, hạng 1 và tương đương thuộc Trung tâm quản lý, tập huấn tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học cho 695 cán bộ, phối hợp cùng 18 sở y tế và các đơn vị trung ương đầu ngành đào tạo các khóa học về Quản lý chất lượng cho 343 học viên.

Đến nay, về cơ bản các cơ sở y tế tuyến Trung ương và tuyến tỉnh khu vực phía Nam đã sẵn sàng cho “giờ G” – thời điểm tháng 12-2018 liên thông kết quả xét nghiệm các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện hạng 1.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/day-nhanh-tien-do-lien-thong-xet-nghiem-giua-cac-benh-vien-561537.html