Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng

Ngày 3-9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk và các ngành liên quan của tỉnh, các địa phương trong vùng dự án.

Ngày 3-9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk và các ngành liên quan của tỉnh, các địa phương trong vùng dự án.

Buổi làm việc nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án xây dựng thuộc Bộ NN và PTNT quản lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhất là Dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk dự và làm việc với đoàn.

Dự án hồ chứa nước Krông Pắk thượng nằm trên địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Bông và M’Đrắk được Bộ NN và PTNT phê duyệt lần đầu vào ngày 15-5-2009 với tổng mức đầu tư hơn 2.993 tỷ đồng, với diện tích đất chiếm dụng gần 2.300 ha và 663 hộ dân phải di dời.

Khi dự án hoàn thành sẽ tưới tiêu cho 14.900 ha, cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 hộ dân ở địa phương và nước uống phục vụ chăn nuôi, cắt giảm lũ, phòng chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản và góp phần cải thiện khí hậu vùng dự án.

Về quy mô, dự án gồm hai công trình hồ chứa nước Krông Pắk Thượng là công trình chính với dung tích 122,69 triệu m3 và công trình hồ chứa nước Ea Rớt là công trình phục vụ tưới và di dân tái định cư với dung tích 18,53 triệu m3…

Tuy nhiên, đến nay, dự án không chỉ kéo dài 11 năm mà sau nhiều lần điều chỉnh vốn, đến cuối năm 2011, dự án được Bộ NN và PTNT có quyết định điều chỉnh mức đầu tư lên tới 4.421 tỷ đồng và trong quá trình thực hiện dự án còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về GPMB…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay khu vực lòng hồ bao gồm bãi vật liệu số ba đã tổng kiểm đếm trong năm 2020 là 404,07 ha, đã lập và phê duyệt sáu phương án hỗ trợ, bồi thường, GPMB với diện tích hơn 88 ha, kinh phí 72,28 tỷ đồng; khu vực bãi vật liệu số 4 đã kiểm đếm xong khoảng 25 ha, trong đó đã lập và phê duyệt 14 phương án hỗ trợ, bồi thường, GPMB với diện tích 21,31 ha, kinh phí 6,33 tỷ đồng.

Một hạng mục Dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng đang thi công.

Đối với khu vực các hệ thống kênh đã kiểm đếm được 55,97 ha trong tổng số hơn 110 ha, trong đó đã lập và phê duyệt sáu phương án với diện tích 12 ha, kinh phí 13,66 tỷ đồng…

Như vậy, theo kế hoạch giải ngân vốn năm 2020, đến nay đã giải ngân được hơn 167 tỷ đồng trong tổng số 650 tỷ đồng, đạt 25,53% kế hoạch, trong đó giá trị giải ngân về xây lắp là 73,2 tỷ đồng, giá trị giải ngân về hỗ trợ, bồi thường, GPMB là 93,82 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở, đặc biệt là cấp xã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch được phê duyệt, chưa đáp ứng tiến độ giải ngân của công trình.

Còn đại diện Bộ NN và PTNT cũng nêu ra thực trạng giải ngân vốn giải phóng mặt bằng của Đắk Lắk là quá chậm, nguy cơ mất vốn là rất lớn. Cụ thể, có 210 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2019 sang nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa giải ngân xong và với sự trì trệ như hiện nay thì khả năng vốn chuyển tiếp cũng khó giải ngân hết, chưa nói đến vốn kế hoạch 2020. Trong tình huống không giải ngân xong, dự án sẽ bị cắt vốn.

Theo lý giải của đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân chậm hỗ trợ, đền bù, GPMT của dự án là do nguồn gốc đất phức tạp, các văn bản luật và dưới luật hướng dẫn chưa rõ ràng nên UBND các xã còn lúng túng trong công tác xác nhận nguồn gốc đất dẫn đến Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng công trình giao thông và NNPTNT tỉnh Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư công tác hỗ trợ, đền bù, GPMB của tỉnh) cũng như Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện không thể lập được phương án hỗ trợ, đền bù, GPMB.

Đất đai trong khu vực dự án phần lớn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc sang nhượng, cho tặng, thừa kế… diễn ra tràn lan nhưng không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đất của các hộ dân đang canh tác nằm trong diện tích đất rừng và có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp do các công ty lâm nghiệp quản lý, có hộ diện tích canh tác trên địa bàn nhiều xã, huyện khác nhau, không có đầy đủ hồ sơ về đất đai, trong khi người đứng đầu cấp xã và các công ty lâm nghiệp thay đổi qua các thời kỳ, giai đoạn nên việc xác định nguồn gốc đất gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp…

Ngoài ra, do bản đồ đo đạc, nghiệm thu từ năm 2016-2017 nên đến nay đã biến động rất lớn về chủ sử dụng, loại đất, diện tích và việc điều chỉnh biên cao trình lòng hồ từ +500m xuống +496.5m nên phải chỉnh lý bản đồ địa chính thích ứng với biên cao trình +496.5m dẫn đến công tác xuất trích lục chậm.

Thêm vào đó, công tác kiểm đếm, lập và trình duyệt phương án hỗ trợ, đền bù, GPMB còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do sự không thống nhất trong việc áp dụng các điều khoản trong văn bản luật và dưới luật đối với công tác xác nhận nguồn gốc đất dẫn đến khi trình thẩm định và phê duyệt phương án, hồ sơ bị trả về vì sai sót trong việc áp dụng kết quả xác nhận nguồn gốc đất.

Đặc biệt, quá trình lập phương án việc áp dụng các nội dung hỗ trợ rất khó khăn do có nhiều hộ dân đã được hỗ trợ tại các phương án trước đây vào những năm 2012-2016, trong khi đó hồ sơ hiện tại không còn lưu trữ dẫn đến trường hợp ngại sẽ áp dụng hỗ trợ sai…

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến công tác kiểm đếm, hỗ trợ, bồi thường, GPMB chậm là nguồn nhân lực thực hiện công tác lập và phê duyệt phương án bồi thường GPMB vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số cán bộ làm việc chưa thực sự trách nhiệm, có hiện tượng cán bộ cấp dưới không chấp hành chỉ đạo của cấp trên trong công tác GPMB, đặc biệt là thực hiện kiểm đếm trước, thông báo thu hồi đất...

Đối với công trình thủy lợi Ia Mơ có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ năm 2019 do UBND huyện Ea Súp làm chủ đầu tư là hơn 44,7 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến kênh là 18 km. Tính đến ngày 30-6-2020, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công là 15,5 km, còn lại 2,5 km các hộ dân chưa được đền bù nên chưa cho thi công…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cam kết sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong vùng dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắt, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, bồi thường, GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư thi công dự án.

Tỉnh phấn đấu đến ngày 30-9-2020 sẽ GPMB xong ứng với cao trình +476,11m theo yêu cầu của Bộ NN và PTNT tương ứng với diện tích 130,5 ha. Đến ngày 31-10-2020 sẽ GPMB xong ứng với cao trình +483m, tương ứng với diện tích 423,3 ha và đến ngày 31-12-2020 sẽ GPMB xong ứng với cao trình +496.5m tương ứng với diện tích 1.122 ha…

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác do lãnh đạo sở làm tổ trưởng về các địa phương để hướng dẫn các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã trong việc thực hiện công tác xác nhận nguồn gốc đất, đặc biệt là đất lâm nghiệp có nguồn gốc lấn chiếm từ nông - lâm trường để các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của công trình.

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tập trung nhân lực, ưu tiên và khẩn trương thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính và xuất trích lục bản đồ địa chính phục vụ công tác kiểm đếm và lập phương án hỗ trợ, bồi thường, GPMB. UBND các huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo yêu cầu của Bộ NN và PTNT đề ra, phấn đấu đến ngày 31-12-2020 phải hoàn thành GPMB lòng hồ đến cao trình +496.5m…

Thứ trưởng NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, việc xây dựng Dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển nền nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ của chủ đầu tư dự án là Bộ NN và PTNT với tỉnh và các địa phương trong vùng dự án, nhất là đối với công tác hỗ trợ, đền bù, GPMB. Với tầm quan trọng của dự án, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải quan tâm vào cuộc nhằm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, đền bù, GPMB của công trình, đặc biệt là hệ thống chính trị tại cơ sở.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân để chung tay cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xem xét, lựa chọn những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao ở các đơn vị có liên quan tăng cường cho các huyện trong vùng dự án và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT tỉnh để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm kế hoạch đề ra…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực lòng hồ, đáp ứng mục tiêu thi công vượt lũ an toàn, giải ngân vốn kế hoạch đã giao, đặc biệt là vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài, Bộ NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các đơn vị liên quan, chính quyền các cấp tại địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, quyết tâm thực hiện GPMB đúng theo kế hoạch, tiến độ đề ra.

Cụ thể là trước ngày 30-9-2020, phải hoàn thành GPMB lòng hồ tối thiểu đến cao trình +476,11m. Trước ngày 31-10-2020, hoàn thành GPMB lòng hồ tối thiểu đến cao trình +483,61m và đến trước ngày 31-12-2020, hoàn thành GPMB lòng hồ còn lại đến cao trình +496.5m.

Bộ NN và PTNT thống nhất thực hiện công tác xác nhận nguồn gốc giữa các huyện trong vùng dự án trên cơ sở khung chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt (tại Văn bản số 568/TTr-NN ngày 15-5-2019; Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1-3-2020) về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông- lâm trường; quy định hiện hành và quá trình quản lý đất đai thực tế trên địa bàn.

Tỉnh cần chủ động lên phương án phòng chống lụt bão, hỗ trợ di dời, sơ tán dân đến khu vực an toàn nếu không hoàn thành GPMB khu vực lòng hồ, đặc biệt là mốc GPMB đến cao trình +476,11m. Bởi trong các ngày từ 13 đến 18-8 vừa qua, trên khu vực xây dựng công trình, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng xuất hiện đợt mưa lớn khiến nước ở lòng hồ dâng cao làm ngập lụt, hư hại khoảng 30 ha cây trồng của nhân dân và ảnh hưởng đến tiến độ thi công vượt lũ cụm công trình đầu mối.

Theo dự báo tình hình mưa lũ năm nay sẽ diễn biến bất thường. Nếu công tác GPMB không bảo đảm các mốc tiến độ, dẫn đến không đáp ứng tiến độ thi công xây dựng công trình và giải ngân vốn, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất giải pháp thích hợp để Bộ NN và PTNT cùng phối hợp giải quyết. Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết trên cơ sở sử dụng có hiệu quả vốn kế hoạch đã giao.

NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/day-nhanh-tien-do-giai-phong-mat-bang-du-an-ho-chua-nuoc-krong-pak-thuong-615436/