Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc – Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ GTVT, Bộ TNMT, chủ tịch UBND 13 tỉnh đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Các tỉnh được yêu cầu gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ kết nối với các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đến cao tốc Long Thành.

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ kết nối với các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đến cao tốc Long Thành.

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh trên nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng tuyến đường bộ cao tốc này.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa bàn 13 tỉnh thành. Khối lượng đất đắp nền đường khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.

Trước đó, nhiều đơn vị đầu tư phản ánh về tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu làm cao tốc, và cho rằng, nếu không có giải pháp gỡ khó về vật liệu thì dự án nhiều tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ đối diện với nguy cơ chậm tiến độ. Đáng lưu ý, một số địa phương có dự án đi qua cũng xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng lên gấp nhiều lần.

Được biết, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, 42 tuyến cao tốc trên toàn quốc được đề xuất quy hoạch để dự kiến đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 với tổng vốn khoảng 825.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, đơn vị tư vấn đề xuất đưa vào quy hoạch 31 tuyến cao tốc với tổng mức đầu tư dự kiến là 483.848 tỷ đồng, gồm 14 dự án thành phần còn lại trên tuyến Bắc Nam phía Đông là: Cửa khẩu Hữu Nghị - TP Lạng Sơn; Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh); Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh); Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình); Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình); Vạn Ninh - Cam Lộ (Quảng Trị); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định); Quy Nhơn - Tuy Hòa (Phú Yên); Tuy Hòa - Vân Phong (Khánh Hòa); Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa); Cần Thơ - Bạc Liêu; Bạc Liêu - Cà Mau; TP HCM - Long Thành; Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng).

Các dự án trên sẽ kết nối với hơn 10 dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai, tạo tuyến đường thông suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau. Các tuyến cao tốc khác ở khu vực phía Bắc gồm Chợ Mới - Bắc Kạn; Hòa Bình - Mộc Châu; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Tuyên Quang - Phú Thọ; Nội Bài - Lào Cai kết nối đến TP Hà Giang.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên quy hoạch các dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Khu vực phía Nam gồm Biên Hòa - Vũng Tàu; TP HCM - Chơn Thành; TP HCM - Mộc Bài; Tân Vạn - Nhân Trạch; Bình Chuẩn - Bến Lức; Mỹ An - Cao Lãnh; Chơn Thành - Đức Hòa; An Hữu - Cao Lãnh; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Giai đoạn 2026 - 2030, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư thêm 11 tuyến cao tốc khác. Trong đó phía Bắc có 4 tuyến cao tốc là vành đai 4 - Hà Nội; vành đai 5 - Hà Nội; Mộc Châu - Sơn La; Phú Thọ - Chợ Bến. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 3 tuyến là Vinh - Thanh Thủy; Quy Nhơn - Pleiku; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Khu vực phía Nam có 4 tuyến Gò Dầu - Xa Mát; Hồng Ngự - Trà Vinh; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; vành đai 4 TP HCM. Tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc được quy hoạch trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 340.620 tỷ đồng.

Theo dự thảo, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, trong đó đến năm 2025 là 2.542 km và đến năm 2030 xây mới 1.339 km. Trong giai đoạn này, dự thảo quy hoạch cũng đặt mục tiêu hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4, 5 vùng thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3, 4 vùng TP HCM, tuyến đường ven biển dọc các tỉnh thành.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ nhu cầu kinh phí đầu tư các dự án giao thông, trong đó vốn ngân sách, vốn xã hội hóa bao nhiêu và cơ chế thế nào để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước. Bộ GTVT cũng nghiên cứu đề xuất Quốc hội bố trí 4 - 5% GDP để đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030 nhằm tạo đột phá.

“Quy hoạch là phải có tầm nhìn, hướng đến bền vững, lâu dài, tiến tới kết nối toàn bộ các tỉnh, thành. Chúng ta phải có giải pháp linh hoạt, cái gì huy động được vốn xã hội hóa sẽ ưu tiên làm trước, chỉ có những dự án dùng ngân sách sẽ phải theo trình tự”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-nhanh-tien-do-cao-toc-bac--nam-559672.html