Đẩy nhanh tiến độ các công trình điện

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời gian qua khiến nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tốc độ triển khai các dự án nguồn điện lại đang chững lại.

Giải pháp trước mắt đang được ngành điện triển khai là đẩy mạnh việc mua điện từ các nước lân cận nhằm bảo đảm lượng điện phục vụ sản xuất và đời sống. Do đó, cần có các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, thực hiện quyết liệt tiết kiệm điện, cân đối cung-cầu sử dụng điện.

Các dự án điện lớn đều chậm tiến độ

Thời gian qua, ngành điện đã có nhiều nỗ lực bảo đảm nhu cầu điện phục vụ sản xuất và đời sống, điển hình là đợt nắng nóng vừa qua, người dân không còn chịu cảnh cắt điện luân phiên. Theo Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm, nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10,4%, cao hơn con số 9% của cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, sản lượng điện sản xuất ước đạt 99.684,1 triệu kWh; điện thương phẩm ước đạt 91.487,1 triệu kWh, đều tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Về nguồn điện, các nhà máy thủy điện đều hoàn thành vượt mức kế hoạch do tình hình thủy văn thuận lợi. Các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí huy động cao để giữ mức nước các hồ thủy điện, đồng thời bảo đảm vận hành xả nước tại các đập để phục vụ gieo cấy lúa.

Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Phạm Dương

Theo Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành: Trong cả năm nay, với các dự án nguồn và lưới điện hiện có, EVN bảo đảm cung ứng điện ổn định cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng sử dụng điện lớn hơn 10%/năm như hiện nay thì từ năm 2019 trở đi, việc cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn. “Trong giai đoạn vừa qua, nguồn điện đầu tư tăng thêm chưa đáp ứng được nhu cầu. Hằng năm, công suất nguồn điện tăng thêm cần 4.000-5.000MW nhưng thực tế công suất tăng thêm mới đạt gần 3.000MW. Đặc biệt, hiện nay cũng chưa có dự án nguồn điện nào được khởi công để có thể đưa vào vận hành trong những năm tới”, ông Dương Quang Thành nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, giai đoạn 2019-2025, khả năng cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo phục vụ nền kinh tế tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn tới, dự tính công suất nguồn của hệ thống điện đến năm 2025 lên đến 96.000MW, gấp đôi con số hiện nay. Tuy nhiên, trong vài năm qua, hầu hết các dự án lớn đều chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các dự án nguồn điện đang được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: Các dự án do các doanh nghiệp Nhà nước là EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là chủ đầu tư; các dự án theo hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT); các dự án theo hình thức chủ đầu tư dự án điện độc lập (IPP). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các dự án có công suất lớn hơn 200MW của tất cả các hình thức đều chậm tiến độ. Dự kiến, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018-2020 chỉ đạt xấp xỉ 8.900MW, bằng 60% khối lượng dự kiến tại quy hoạch. Riêng các dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét, thẩm định thiết kế cơ sở chỉ đạt 1.596MWp-chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng dự kiến 5.000MWp đến năm 2020.

Cần chính sách mang tính đột phá

Trước khả năng nguồn cung điện không đủ phục vụ nhu cầu từ năm tới, ông Dương Quang Thành cho hay, EVN đang tập trung đàm phán, mua điện từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Lào. Hiện nay, EVN đang vướng mắc trong thủ tục đàm phán mua bán điện với các nhà đầu tư của Lào khi khung giá chưa được ban hành. Do vậy, tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương sớm có khung giá nhằm tạo cơ sở cho tập đoàn trong quá trình đàm phán. Với việc mua điện từ Trung Quốc, cần tăng mức mua lên 3-4 tỷ kWh thay vì mức 1,2-1,5 tỷ kWh như hiện nay. EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp khuyến khích chủ đầu tư đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và phân bổ nguồn điện mặt trời cho phù hợp hơn.

Việt Nam hiện đã phải nhập khẩu than, điện từ nước ngoài. Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng lại không tiết kiệm, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là phát triển năng lượng xanh, trong khi khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, điều này gây ra sức ép rất lớn cho ngành điện. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, năng lượng là ngành có quy mô dự án rất lớn, thời gian thi công dài và phức tạp, trong khi đó, nhà đầu tư trong nước năng lực hạn chế.

Xung quanh những khó khăn và kiến nghị của ngành điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, về biểu giá mua bán điện từ chủ đầu tư bên Lào cũng như các điều kiện cần thiết liên quan, Bộ Công Thương đã họp, sẽ sớm có kết luận và triển khai biện pháp cụ thể. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung bảo đảm tiến độ, đẩy nhanh hơn nữa vấn đề này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý thêm, chủ trương phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề công nghệ, đồng bộ chính sách, đặc biệt là bảo đảm phát triển hạ tầng. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại việc này và sẽ có báo cáo Chính phủ. "Ngành điện còn nhiều vấn đề cần phải triển khai, như: Hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh; sắp xếp doanh nghiệp; đa dạng hóa các nguồn cung, bảo đảm an toàn hệ thống điện... Song mục tiêu quan trọng xuyên suốt là phải bảo đảm cân đối cung cầu điện, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-nhanh-tien-do-cac-cong-trinh-dien-545089